Thông tin giá cả thị trường số 2/2016

11:15 AM 31/05/2016 |   Lượt xem: 4439 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

 Đông Nam bộ: Để cây tiêu phát triển bền vững

Nắng nóng gay gắt trong những tháng qua đã làm cho hàng ngàn héc-ta hồ tiêu tại vùng Đông Nam bộ chết dần do thiếu nước tưới. Cùng với việc giá tiêu ngày càng giảm, cây tiêu đã không còn là loại cây “hái ra tiền” như bà con nông dân kỳ vọng. Thực tế cho thấy, việc đổ xô vào trồng tiêu đang ẩn chứa nhiều rủi ro đối với người dân trong khu vực này.
Năng suất giảm

Cùng với huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), huyện Cẩm Mỹ đang nổi lên là vùng chuyên canh hồ tiêu. Hiện toàn huyện Cẩm Mỹ có hơn 4.700 héc-ta hồ tiêu, trong đó có hơn 2.400 héc-ta đang thời kỳ kinh doanh. Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, nên năng suất tiêu năm nay của các nhà vườn bị giảm nhiều so với năm 2015. Theo ghi nhận, tại các vườn tiêu đang thu hoạch, phần lớn bị giảm năng suất, nhất là những vườn tiêu lâu năm bị giảm đến 1 tấn/héc-ta, dẫn đến bà con nông dân bị thất thu hơn 100 triệu đồng/héc-ta, thêm vào đó chi phí thuê mướn công hái cũng cao hơn năm ngoái, từ 160.000 đồng lên 170.000 đồng/ngày, làm cho thu nhập bị ít đi. Gia đình ông Trần Văn Mạnh, nông dân ấp 8, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), canh tác 1 héc-ta hồ tiêu gần 10 năm tuổi. Ông cho biết vụ thu hoạch 2015, gia đình ông thu hoạch được hơn 4 tấn hạt tiêu, nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 3 tấn. “Với mức giá chỉ khoảng 140.000 đồng/kg thì việc sản xuất của nông dân không ngon lắm, bởi lượng phân bón cho cây tiêu cũng rất là nhiều, chưa kể chi phí nhân công thu hái, xăng dầu bơm tưới. Gia đình tôi có khả năng thu hái tiêu về phơi khô để trữ, chờ giá cao trở lại mới bán”, ông Mạnh thổ lộ.

Từ giữa năm 2015, giá hồ tiêu liên tục tăng, thời kỳ cao nhất lên đến hơn 200.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng tiêu có lãi khoảng 500 triệu đồng/héc-ta/năm. Nuôi mộng làm giàu, nông dân trong tỉnh Bình Phước đã ồ ạt chặt bỏ cây cao su, điều, cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Tại huyện Lộc Ninh, thủ phủ hồ tiêu của vùng Đông Nam bộ, diện tích hồ tiêu không ngừng tăng lên. Toàn huyện hiện đã có hơn 5.000 héc-ta hồ tiêu, tăng hơn 700 héc-ta chỉ trong 5 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, những hộ trồng mới loại cây này đang đứng trước nguy cơ thất bại khi 2 tháng nay, ở Lộc Ninh đã không còn nước tưới. Trong khi đó, giá tiêu đang ngày một giảm đi. Ông Lê Hữu Thái ở ấp 7, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) nói: “Cây tiêu ở xã Lộc Hưng trước kia trồng rất nhiều, nhưng từ khi một số vườn tiêu bị bệnh chết hàng loạt thì diện tích giảm đi. Mấy năm nay tiêu có giá trở lại thì bà con lại phát triển loại cây này. Tình hình thiếu nước tưới như lúc này đây, nếu nhà nào có vài trăm nọc thì có thể khắc phục được, chứ nhà nào nhiều thì người dân phải nợ nần rất nhiều”.
Hướng đến sản xuất tiêu sạch

Để trồng 1 héc-ta tiêu, người nông dân phải đầu tư khoảng 600 triệu đồng, chưa kể khoảng thời gian trên 3 năm chăm sóc mới đến thời kỳ thu hoạch. Vì thế, nhiều người ví von cây tiêu là “cây của nhà giàu”. Trong khi đó, những hộ dân đầu tư trồng mới loại cây này ở vùng Đông Nam bộ hầu hết đều phải vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu gom hết vốn liếng trong nhà để trồng cây tiêu, khi bị bệnh không kịp xử lý sẽ bị thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Gia Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) cho biết, ngành nông nghiệp huyện đã vận động bà con không nên phát triển ồ ạt cây tiêu mà chỉ nên phát triển ở mức độ cho phép và trong quy hoạch. Chúng ta không sản xuất theo kiểu tự phát, khi loại cây này được giá thì phá bỏ cây khác để trồng cây đó, sẽ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn chặt, trồng.

Các nhà khoa học thời gian qua đã khuyến cáo người trồng hồ tiêu tại vùng Đông Nam bộ không nên lạm dụng phân bón, thuốc hóa học để chăm sóc, mà nên phát triển loại cây trồng này theo hướng sinh học. Đây cũng là cách hướng đến sản xuất hồ tiêu theo phương pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo thương hiệu cho hồ tiêu “miền Đông”. Chính quyền các địa phương trong vùng cần phát huy vai trò định hướng phát triển diện tích trồng tiêu cho phù hợp với địa phương mình.

MUA GÌ

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn: Cung chưa đáp ứng đủ cầu

Đến thời điểm này, cả nước mới có 280 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Con số này là quá ít ỏi, trong khi người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với vấn nạn thực phẩm bẩn. Nhưng thực tế, việc xây dựng chuỗi cung ứng này không hề dễ dàng.

Quy mô sản xuất và sản lượng ít

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến tháng 4/2016, đã có 35 tỉnh, thành phố hình thành chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với tổng số 280 chuỗi với các sản phẩm chính là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản. Thực tế việc hình thành các chuỗi đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Điển hình như, một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định. Khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ. Giá bán sản phẩm chưa đạt như mong muốn của người sản xuất. Chi phí cho bao bì, tem nhãn cao, trong khi giá bán chưa như mong đợi, người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm trong và ngoài chuỗi. Kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm rau quả an toàn nói riêng của người dân còn hạn chế nên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam (đặc biệt là sản phẩm rau quả) đang bị hàng Trung Quốc cạnh tranh gay gắt về mẫu mã và giá cả. Ví dụ, khoai tây Đà Lạt giá 24.000 - 25.000 đồng/kg nhưng khoai tây Trung Quốc chỉ 15.000 - 16.000 đồng/kg. Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp nào đó để người dân nhận biết, phân biệt rõ các loại mặt hàng. Quy mô sản xuất cũng như sản lượng cho mỗi chủng loại sản phẩm còn ít, sản xuất tập trung vào thời vụ chính, chưa thành sản xuất hàng hóa lớn.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Trần Mạnh Chiến – chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn Bác Tôm, các đối tác tham gia trong chuỗi là hộ gia đình nên không có đăng ký kinh doanh ở địa phương, vì vậy, nhà nước cần xây dựng quy chuẩn để phù hợp với mô hình quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thúc đẩy chương trình dồn điền đổi thửa kết hợp với xây dựng chuỗi sản xuất an toàn để nâng cao thu nhập cho nông dân. Các doanh nghiệp cũng băn khoăn là làm sao có vùng nguyên liệu ổn định, trong khi việc liên kết với nông dân còn nhiều khó khăn; chi phí đầu tư dây chuyền sơ chế rất lớn. Doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ dân, vì vậy vai trò của HTX rất quan trọng nhưng rất tiếc là mô hình HTX kiểu mới đảm bảo hoạt động như một doanh nghiệp hiện nay còn hiếm.

Từ thực tế triển khai ở địa phương mình, theo ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản Sơn La, để xây dựng thành công chuỗi sản xuất, cung ứng rau an toàn, cần quan tâm thực hiện tốt những nội dung sau: Đánh giá, lựa chọn vùng sản xuất đủ điều kiện sản xuất rau an toàn để xây dựng chuỗi rau an toàn. Tổ chức tập huấn quy trình trồng rau an toàn, đặc biệt chú trọng khâu hướng dẫn, giám sát việc thực hành của bà con về quy trình an toàn, chú trọng các khâu: Chọn giống, ưu tiên những loại giống rau chất lượng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều; sử dụng nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sơ chế, ghi chép đơn giản nhưng đủ để truy xuất khi cần thiết. Lấy mẫu test thử nhanh dư lượng đối với các lô sản phẩm xuất bán nếu đạt yêu cầu mới cho xuất. Xây dựng các điểm phân phối sản phẩm rau an toàn có xác nhận, phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND huyện, thành phố từng bước hình thành các chợ nông sản an toàn. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá để mọi người (người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng) biết kiến thức về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông sản an toàn.

BÁN GÌ

Phước Bình (Ninh Thuận): Đưa cây chuối trở thành cây trồng chủ lực

Trước đây, người dân Phước Bình (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) chỉ trồng chuối rải rác quanh nhà, nên thu nhập đem lại không đáng kể.

Để giúp người dân phát triển loại cây trồng này theo hướng sản xuất hàng hóa, vài năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi những diện tích đất rẫy trước đây từng trồng bắp, đậu xanh không hiệu quả, sang trồng chuối. Địa phương còn phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc, nên đến nay có rất nhiều người dân tham gia trồng cây chuối. Tính đến nay, toàn xã đã phát triển được 741 héc-ta cây chuối. Do đây là loại cây dễ trồng, chi phí thấp, ít sâu bệnh, phù hợp với khí hậu khắc nghiệt và địa hình đồi núi Phước Bình, nên hàng năm cây chuối cho năng suất khá cao. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, khi chuối Phước Bình được thương lái các nơi biết đến tìm về tận nơi thu mua, địa phương đã đưa cây chuối trở thành cây trồng chủ lực để ưu tiên vận động người dân phát triển. Nhờ mở rộng diện tích trồng chuối, chăm bón đúng kỹ thuật, nhiều hộ bà con dân tộc Raglai đã có thu nhập khá, thậm chí tới hàng trăm triệu đồng, không chỉ vươn lên thoát nghèo, mà còn trở thành hộ khá của địa phương.

Thương hiệu chuối Phước Bình hiện đã trở thành mặt hàng có giá trị. Hiện nay, mỗi ngày địa phương có ít nhất 5 thương lái về tận thôn thu mua chuối của bà con để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hiện các cấp chính quyền Phước Bình đang tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích trồng chuối; kiến nghị huyện phối hợp các sở, ngành của tỉnh Ninh Thuận tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chuối. Bên cạnh đó, xã cũng kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy ép chuối tại địa bàn xã để nâng cao giá trị sản phẩm chuối, giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xen cây dược liệu trên đất trồng cao su: Cách làm hiệu quả ở Quảng Nam

Cách đây vài năm, nhận thấy tình trạng người dân ồ ạt đi khai thác cây cà gai leo để bán cho thương lái Trung Quốc dẫn đến tình trạng ngày càng khan hiếm, Đoàn viên thanh niên Tổ sản xuất Cao su Bình Lãnh (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam) đã có ý tưởng trồng các loại cây dược liệu xen canh trong các vườn cây cao su kiến thiết cơ bản.

Ban Chấp hành Đoàn công ty đứng ra chịu trách nhiệm phối hợp cùng Viện Dược liệu Hà Nội và Viện Công nghệ sinh học Việt Nam, thí nghiệm và đưa những giống cây dược liệu phù hợp để trồng xen trong vườn cây cao su kiến thiết cơ bản của công ty như sâm ba kích, cà gai leo, đinh lăng, sả… Theo tính toán, sau 6 tháng kể từ lúc trồng, người lao động có thể thu hoạch vụ mùa cà gai leo lần đầu tiên. Với 1 héc-ta cây cà gai leo trồng xen cây cao su, sau 1 năm, trừ đi chi phí trồng có thể thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng. Bắt đầu từ mùa vụ thứ hai cây sẽ tự sinh trưởng và không cần tốn chi phí trồng mới. Sau khi nhân giống và trồng thí nghiệm thành công tại một số vườn ươm, Ban Chấp hành Đoàn công ty đã liên hệ tìm đầu ra cho các sản phẩm. Hiện đã có một số khách hàng như như Công ty CP Daphaco tại Đà Nẵng, Công ty CP Traphaco và một số bệnh viện y học dân tộc trên cả nước đã nhận làm nơi tiêu thụ sản phẩm dược liệu cho công ty. Với việc ổn định đầu ra cho sản phẩm trong những năm tiếp theo, Ban Chấp hành Đoàn công ty đã lên kế hoạch mở rộng quy mô trồng các loại cây dược liệu trong các vườn cây cao su của công ty trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong những năm gần đây, giá bán mủ cao su giảm sâu khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Mô hình phát triển, trồng xen canh các loại cây dược liệu ở Quảng Nam đã góp phần giải quyết việc làm và từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Tăng cường quản lý vùng nguyên liệu sắn

Trong thời gian qua, sắn là cây trồng đã đem lại cơ hội lớn để xóa đói, giảm nghèo cho người dân, nhất là ở các nơi còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện nhiều giải pháp phát triển cây sắn bền vững, hiệu quả.
Có kế hoạch phát triển phù hợp

Thực tế, năng suất cây sắn hiện nay còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, phương thức canh tác chủ yếu còn lạc hậu, dịch bệnh trên cây sắn vẫn là nguy cơ tiềm ẩn… Đặc biệt, phần lớn đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên trồng sắn trên vùng đất dốc, đất xấu nhưng trồng quảng canh nên hiệu quả không cao.

Điều đáng nói là trong quá trình sản xuất, người dân chỉ tập trung khai thác triệt để nguồn dinh dưỡng trong đất mà không chú trọng đến chế độ đầu tư thâm canh cũng như áp dụng các biện pháp luân, xen canh, cải tạo đất, dẫn đến suy thoái đất. Vì vậy, các nhà khoa học đã khuyến cáo, nếu các tỉnh Tây Nguyên không có kế hoạch phát triển phù hợp thì loại cây trồng này sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất, nguy cơ sa mạc hoá, mất cân bằng sinh thái sẽ xảy ra trong những năm tới trên những diện tích trồng sắn là điều khó tránh khỏi.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, việc cần làm ngay lúc này là phải quản lý được vùng nguyên liệu. Bộ NN&PTNT cần đưa ra quy hoạch cứng cho những vùng trồng sắn để các tỉnh bám theo. Trên cơ sở đó, hằng năm Sở NN&PTNT đều có những khuyến cáo các địa phương hạn chế tăng diện tích sắn. Đồng thời khuyến khích việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất thâm canh, tăng năng suất, sản lượng để không cạnh tranh đất sản xuất của các cây trồng khác; thực hiện trồng theo hình thức rải vụ để tránh ứ đọng sản phẩm khi vào cao điểm thu hoạch hoặc bị tư thương ép giá…
Thực hiện đồng bộ một số giải pháp

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, thúc đẩy sản xuất sắn phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Về giống và kỹ thuật canh tác:

- Các Viện nghiên cứu thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo hoặc nhập nội các giống sắn mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt với dịch bệnh.

- Cục Bảo vệ thực vật tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh, trước mắt xử lý ngay bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng và các loại sâu bệnh khác trên cây sắn.
- Ở các địa phương có dịch hại phát triển, cần thành lập cơ sở nhân thiên địch đảm bảo cung ứng kịp thời để phòng trừ dịch bệnh trên sắn.

- Tổng cục Thủy lợi tổ chức nghiên cứu, tổng kết các mô hình tưới sắn để rút kinh nghiệm phổ biến ra diện rộng.

Về tổ chức sản xuất:

- Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc, thu hoạch ở những vùng có điều kiện góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho người sản xuất. Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối rà soát để bổ sung các chính sách ưu đãi trong việc đổi mới thiết bị ngành sắn.

- Các địa phương vận động nông dân đồn điền, đổi thửa, khuyến khích cho thuê đất, mượn đất để hình thành những vùng sản xuất nguyên liệu quy mô lớn, tập trung; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Về chế biến, tiêu thụ:

- Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam và Hiệp hội Sắn Việt Nam nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích phát triển chế biến sâu trong ngành sắn; chính sách tín dụng ưu đãi tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư thiết bị xử lý môi trường (nước thải trong các nhà máy chế biến tinh bột sắn).

- Sớm có phương án điều chỉnh tiêu chí môi trường nhằm giảm chi phí trong đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tinh bột sắn.

- Mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm sắn của Việt Nam.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Tiêu thụ phân bón giảm

Thị trường phân bón trong nước thời gian gần đây nhìn chung diễn biễn chậm. Giá các loại phân bón ở mức thấp, lượng hàng tiêu thụ tại một số vùng giảm mạnh.

Đặc biệt, tại nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên… lượng tiêu thụ giảm mạnh do hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên vẫn đang thiếu nước trầm trọng do khô hạn kéo dài. Tình hình hạn hán tại miền Đông Nam bộ vẫn diễn ra gay gắt, miền Tây ngập mặn trên diện rộng dẫn đến nhu cầu về phân bón giảm mạnh. Hàng tồn kho hiện nay đang ở mức cao trong khi giá thế giới có xu hướng giảm. Nhìn chung, thị trường phân bón tại miền Nam diễn ra chậm, giá hàng ở mức thấp dẫn đến các đại lý gần như không có hiện tượng mua hàng dự trữ mà chỉ mua cầm chừng theo nhu cầu thực tế.

Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính cũng nhận định, nhu cầu phân bón trong nước tháng 4/2016 vẫn trong giai đoạn thấp, bên cạnh đó hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng nên giá phân bón trong nước không có nhiều biến động. Cụ thể: Tại miền Bắc, mức giá phổ biến khoảng 7.500 - 7.800 đồng/kg; tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 7.500 - 7.700 đồng/kg. Dự báo, trong thời gian tới giá phân bón có thể phục hồi nhẹ. Đặc biệt, vụ hè thu tại các tỉnh phía Nam chuẩn bị xuống giống, mực nước các sông có thể tăng khi Trung Quốc xả nước đầu nguồn sông Mê Kông giúp giảm tình trạng khô hạn, nhu cầu phân bón sẽ tăng cùng với tác động của giá nguyên liệu năng lượng thế giới tăng.

“Thiệt kép” nặng cà phê Tây Nguyên

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hơn 3.000 héc-ta cà phê ở Tây Nguyên đã mất trắng do không có nước tưới. Con số này sẽ tiếp tục tăng khi đỉnh điểm khô hạn diễn ra trong thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6/2016.

Với những nỗ lực chống chọi với cơn hạn mặn khủng khiếp, người nông dân trồng cà phê đang gặp rất nhiều khó khăn. Hàng loạt vườn cà phê ở Tây Nguyên đã chết khô sau nhiều tháng hạn hán, khiến người dân phải chặt bỏ “dù đứt từng khúc ruột”, trong bối cảnh giá cà phê luôn ở mức thấp. Hiện trên nhiều rẫy cà phê ở các khu vực tâm hạn của Tây Nguyên người dân đã buông xuôi mặc cây chết khô vì không có nước tưới. Theo tính toán, một gốc cà phê cần 400 - 700 lít nước một lần tưới và cả mùa khô cần 4 - 6 lần tưới nhưng nhiều vườn từ đầu năm đến nay mới chỉ tưới 1 - 2 lần. Tại những vùng tâm hạn, có vườn còn chưa được tưới lần nào, khiến cây cà phê chết hàng loạt.

Tại tỉnh Đắk Lắk, thời tiết khô hạn có thể khiến sản lượng cà phê niên vụ 2016 -2017 giảm khoảng 1/3 xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Đặc biệt, thời tiết khô hạn đã làm ảnh hưởng đến quá trình ra hoa của cây cà phê khiến sản lượng thu hoạch giảm. Bên cạnh đó, người trồng cà phê không chỉ khốn đốn vì mất mùa, mà còn vì mất giá. Cho dù 2 tháng qua, giá cà phê trên thị trường nội địa đã tăng trở lại, nhưng vẫn ở mức thấp so với kỳ vọng. Theo các đại lý kinh doanh cà phê, giá cà phê các đại lý mua vào từ nông dân dao động 33.000 - 35.000 đồng/kg, tăng từ 4.000 - 4.500 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 2/2016. Trong khi đó, giá cà phê trên thị trường thế giới vẫn chưa thực sự tăng mạnh, khiến cả nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước đều ở vào thế bị động. Nếu đầu tháng 5/2016 mùa mưa về, biến động giá sẽ bất lợi do thị trường phải điều chỉnh lại theo thực tế của thời tiết xảy ra. Có nghĩa là, nếu có mưa, nông dân trồng cà phê sẽ mừng nhưng cũng có nghĩa là sẽ hết hy vọng giá cà phê tăng đột biến.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Điện Biên: Trồng dứa sạch theo hướng hàng hóa

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông ở bản Háng Lìa (xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) đã có thu nhập vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ việc trồng cây dứa

Đến nay, diện tích dứa ở huyện Mường Chà đã đạt khoảng hơn 50 héc-ta, sản lượng quả tươi hơn 400 tấn quả/vụ xuân hè và vẫn đang tiếp tục được người dân đầu tư mở rộng diện tích. Những ngày vào vụ, thương lái tấp nập thu mua dứa từ mờ sáng đến nửa đêm vì dứa ở đây giá rẻ lại thuận tiện cho việc vận chuyển. Nhiều hộ đồng bào dân tộc nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng dứa. Theo tính toán của các hộ dân, trồng dứa lãi gấp 5 lần trồng ngô. Vì vậy, gần đây dân bản đua nhau trồng dứa, giá rẻ hơn nhưng bán rất thuận tiện vì thương lái đưa ô tô, xe máy đến mua tận nhà. Giống dứa ở đây hầu hết là giống mới, sớm cho quả to, ngọt, hình thức đẹp mắt hơn một số giống dứa ta nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để cây dứa trở thành cây trồng thoát nghèo, cán bộ huyện, xã đã hướng dẫn cho người dân lựa chọn giống, cách trồng, chăm sóc và thu hoạch. Đặc biệt, các cán bộ còn hướng dẫn bà con cách trồng dứa sạch, sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật không độc hại và tuân thủ đúng thời gian cách ly. Đến nay, hầu hết các hộ dân đều trồng dứa hiệu quả, nhiều gia đình đã thoát nghèo.
Trồng dứa sạch đã trở thành khẩu hiệu không chỉ cán bộ huyện Mường Chà thuộc lòng mà còn thấm nhuần vào mỗi người dân trồng dứa nơi đây. Sau một vài lần được cán bộ hướng dẫn quy trình trồng dứa sạch, đến nay hầu hết bà con trong xã đã tuân thủ theo đúng quy trình. Việc trồng dứa sạch được áp dụng từ khâu làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu, rệp đến khâu chăm sóc, thu hoạch đảm bảo an toàn.

Tập trung tăng diện tích cây ca cao

Theo Bộ NN&PTNT, từ nay đến năm 2020, cả nước phấn đấu đưa diện tích cây ca cao tăng lên 50.000 héc-ta. Trong đó diện tích ca cao kinh doanh đạt 38.500 héc-ta, năng suất đạt bình quân 1,19 tấn/héc-ta, với sản lượng hạt ca cao khô ủ lên men 45.700 tấn. Diện tích ca cao này phát triển tập trung tại Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh thuộc các vùng trên đánh giá lại tình hình phát triển cây ca cao thời gian qua, rà soát lại quy hoạch phát triển ca cao của từng tỉnh phù hợp với đặc điểm sinh lý của cây này và điều kiện thời tiết khí hậu, đất đai, tập quán canh tác và chế độ đầu tư của từng vùng. Các địa phương có kế hoạch trồng ca cao cần sớm ban hành một số chính sách hỗ trợ để khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển cây ca cao. Trước mắt, tập trung vào một số chính sách như hỗ trợ cây giống trồng mới, tái canh, hỗ trợ các hoạt động khuyến nông như đào tạo, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, xúc tiến thương mại. Các tỉnh cũng cần hỗ trợ, hình thành và phát triển các mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng ca cao để gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Tiếp tục tuyển chọn, nhân rộng các giống ca cao có năng suất cao, ít sâu bệnh chuyển giao đến người trồng. Đồng thời, củng cố, phát triển mạng lưới thu mua, các cơ sở chế biến lên men, công khai giá thu mua ổn định trong thời gian dài để khuyến khích người dân tham gia phát triển cây ca cao.

Ca cao là cây công nghiệp nhiệt đới tạo ra mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao đang được ưa chuộng trên thế giới. Với khả năng thích nghi rộng và không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật chăm sóc, cây ca cao thường được trồng nhiều tại những vùng đất trống hoặc phủ xanh đồi trọc, làm cây lâm sinh hay là trồng xen. Ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ ca cao chủ yếu trồng xen với cây điều vùng đồng bằng sông Cửu Long trồng xen với cây dừa và cây ăn quả.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Chống đường lậu: Các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải vào cuộc

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện nay đường lậu được nhập khẩu và lưu hành trên thị trường ngày càng tinh vi và phức tạp. Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp sản xuất phải vào cuộc hỗ trợ các cơ quan chức năng.

VSSA dự báo, mỗi năm lượng đường nhập lậu vào Việt Nam dao động từ 300.000 đến 400.000 tấn. Thậm chí có những thời điểm, 90% lượng đường bán tại thị trường các tỉnh phía Nam là đường nhập lậu. Trong khi đó, mỗi năm nước ta sản xuất được 1,5 triệu tấn đường, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Nguyên nhân chính khiến lượng đường nhập lậu ngày càng gia tăng là do sự chênh lệch về giá bán. Thực tế cho thấy, giá đường nhập lậu thường rẻ hơn giá của các nhà máy sản xuất trong nước từ 500 - 1.000 đồng/kg (tùy vào từng thời điểm). Bên cạnh đó, giá đường trong nước cũng đang cao hơn các nước lân cận do giá mía thu mua trong nước cao hơn thế giới. Điều này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy đường gặp khó khăn. Để giải quyết vấn đề dư cung, doanh nghiệp chỉ còn cách duy nhất là xuất đường sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, việc xuất khẩu tiểu ngạch hay gặp khó khăn do tình trạng cấm biên từ phía Trung Quốc.

Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan đã xác định đường là một trong những mặt hàng trọng điểm để làm tốt công tác quản lý xuất nhập khẩu, đấu tranh chống buôn lậu. Tuy nhiên, hiện cả nước có hơn 30 nhà máy đường với các sản phẩm từ các nhà máy hoàn toàn khác nhau, nên rất khó để phân biệt đâu là đường sản xuất trong nước, đâu là đường lậu. Chính vì vậy, theo ý kiến của các cơ quan chức năng, biện pháp tốt nhất để ngăn chặn đường nhập lậu là các nhà máy đường trong nước phải ghi rõ chủng loại, số lượng, sản phẩm của mình trên hóa đơn, kèm theo các phiếu phân tích chất lượng, độ màu của đường… Đồng thời các nhà máy phải thường xuyên cập nhật thông tin tình hình thị trường, diễn biến giá cả để các cán bộ chống buôn lậu có căn cứ phát hiện gian dối để xử lý. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng phải sử dụng các loại bao bì, nhãn mác có những nhận biết đặc trưng. Sau đó gửi cho cơ quan phòng chống buôn lậu nhằm giúp công tác nhận diện được dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các văn bản pháp lý phải cụ thể và mạnh hơn chuyên về gian lận thương mại trong lĩnh vực mía đường, xử lý đường nhập lậu. Ngoài ra, tất cả lượng đường lậu bị phát hiện, tịch thu đều phải thực hiện tái xuất 100% qua các nhà máy đường. Bởi, việc bán đấu giá tại chỗ số đường nhập lậu bị bắt như hiện nay, vô tình đã hợp thức hoá thêm cho các “đầu nậu” qua việc sử dụng biên bản mua đấu giá để tự do kinh doanh đường lậu.

Để hỗ trợ công tác chống buôn lậu đường qua biên giới, VSSA cũng đã có Công văn 20/2016/CV-HHMĐ gửi Chính phủ kiến nghị cho cơ quan chống buôn lậu được hưởng 100% giá trị lô hàng bắt giữ trong quá trình hoạt động của mình. Tức là, đường lậu sau khi bắt giữ sẽ cho bán đấu giá cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất đường chứ không cho các doanh nghiệp thương mại tham gia đấu giá. Cách làm này, theo VSSA sẽ giúp hạn chế việc các doanh nghiệp thương mại lợi dụng hóa đơn mua đấu giá để quay vòng, hợp thức hóa lượng đường ăn nhập lậu khác để tiếp tục lưu thông trên thị trường. Giải pháp này cũng giúp cho việc nhận diện đường lậu từ Thái Lan dễ dàng hơn do đường Thái Lan và Việt Nam khác nhau về tiêu chuẩn và chất lượng.

HÀNG VIỆT

Thị trường Nông thôn, miền núi :Thị phần lớn cho hàng hóa Việt

Trong hoàn cảnh hệ thống phân phối hiện đại tại các thành phố lớn đang bị các doanh nghiệp (DN) nước ngoài chi phối, thị trường nông thôn, miền núi liên tục được nhắc đến như một thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa Việt.

Người dân trung thành với hàng hóa quen thuộc

Cuối năm 2015, tham gia một chuyến đưa hàng Việt về huyện Sóc Sơn – một huyện miền núi còn nhiều khó khăn ngoại thành Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, hàng hóa Việt rất được người dân khu vực này yêu thích và chọn mua vì giá cả và chất lượng rất phù hợp với nhu cầu của người dân. Đơn cử như ở mặt hàng quần áo, DN mang đến phiên chợ hàng Việt về nông thôn rất nhiều sản phẩm có chất lượng với giá cả phải chăng. Một chiếc áo sơ mi, dài tay chỉ có giá khoảng 170.000 - 200.000 đồng/chiếc. Hoặc các sản phẩm nước rửa bát, xà phòng giặt… luôn được bán với giá thấp hơn giá thị trường 5%. Các sản phẩm thiết yếu như lương thực thực phẩm, gia vị… cũng được người tiêu dùng ưa thích với tốc độ tiêu thụ tương đối tốt.

Không chỉ tại phiên chợ, nhiều năm gần đây, hàng Việt đang dần chiếm tỷ lệ cao hơn ở các chợ nông thôn. Chị Nguyễn Thị Thắm – Chủ một gian hàng quần áo tại chợ Phù Lỗ (Sóc Sơn) cho biết: “Gian hàng của tôi chủ yếu bán hàng Việt vì mẫu mã khá đẹp mà giá bán lại phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân. Nếu như trước đây, hàng Trung Quốc chiếm tỷ lệ khoảng 70 – 80% thì hiện nay chỉ còn khoảng 20% do người tiêu dùng không có nhu cầu mua và sử dụng”. Chị Thắm cũng khẳng định khá cân nhắc khi có DN đề nghị nhập hàng Thái Lan, Hàn Quốc về bán. “Thói quen mua sắm của người dân là khá trung thành với những thương hiệu họ đã quen dùng, nên khi nhập hàng mới cần phải cân nhắc. Do thu nhập còn thấp, người dân khu vực này cũng không cần hàng cao cấp, đắt tiền” – chị Thắm chia sẻ.

Tại khu vực nông thôn, nhiều mặt hàng Việt đang khẳng định vị thế là sản phẩm được người dân ưa chuộng hàng đầu. Các thương hiệu nổi tiếng trong nước đang thắng thế và có chỗ đứng vững chắc như: Sữa Vinamilk và Nutifood, thực phẩm chế biến Vissan; nước mắm và nước tương Chinsu; bánh kẹo Quảng Ngãi, Bibica, Phạm Nguyên, Kinh Đô và nhiều thương hiệu khác…
Giữ chất lượng để chiếm lĩnh thị trường

Tiềm năng là vậy, tuy nhiên, việc khai thác thị trường nông thôn không dễ dàng. Theo đánh giá của các DN khi tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, muốn chắc chân ở thị trường này, DN phải đầu tư về con người và thời gian. Bởi lẽ, đặc trưng của vùng nông thôn là địa bàn trải rộng, nhiều khách hàng nhỏ, sức mua không đồng đều.

Kinh nghiệm thực tế tại một số DN thành công ở khu vực nông thôn như Vinamilk, Nutifood, Vissan cho thấy, các DN này đều bố trí lực lượng “nằm vùng” tại các vùng miền để làm công tác tiếp thị, quảng cáo. Ban đầu, những sản phẩm của công ty được gửi tại các cửa hàng nhỏ lẻ với số lượng ít. Khi được người dân tin tưởng, lượng hàng gửi sẽ lớn hơn. Với các thương hiệu khác như cà phê Trung Nguyên, giấy Sài Gòn, chủ các thương hiệu này đã khẳng định là họ thành công từ việc bán hàng theo dạng “đánh du kích” từ khu vực các tỉnh, thành cũng như ngoại thành của các thành phố lớn, sau đó mới tập trung “đánh hàng” vào nội thành.

Từ những thành công đó, để chiếm lĩnh tốt thị trường nông thôn, các chuyên gia cho rằng, DN buộc phải đưa sản phẩm xuất hiện thường xuyên trên các quầy kệ để bà con nhìn thấy được. Việc tối kỵ là DN không được để “đứt” hàng. Sở dĩ sản phẩm của một số DN Việt Nam đã từng chiếm lĩnh thị trường nhưng rồi lại bị rơi vào tay các đối thủ nước ngoài là do không đảm bảo nguồn hàng thông suốt. DN cũng được khuyến cáo cần mang đến những sản phẩm chất lượng tốt, tránh tình trạng hàng hóa đã được bà con lựa chọn nhưng không giữ được thị trường lâu dài.

Tại khu vực nông thôn, nhóm các mặt hàng tiêu dùng nhanh (như xà bông, nước xả, dầu gội), hàng thực phẩm và thực phẩm công nghệ Việt chiếm tuyệt đại đa số, thậm chí có nơi là 100%.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)