Thông tin giá cả thị trường số 11/2019

09:05 AM 05/04/2019 |   Lượt xem: 4719 |   In bài viết | 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Lào Cai: Đồng bào dân tộc làm giàu từ quế

Khoảng chục năm trở lại đây, giá các sản phẩm từ quế trên thị trường trong nước và thế giới liên tục tăng cao là động lực để nông dân các địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc tỉnh Lào Cai mở rộng diện tích trồng.

Theo thống kê sơ bộ, Lào Cai đã có gần 24.000 héc-ta quế, nghĩa là chỉ còn khoảng 1.000 héc-ta nữa là đạt quy hoạch trồng quế đến năm 2025. Nông dân đang trồng quế tập trung tại 50 xã thuộc 4 huyện là: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn và Bắc Hà. Hiện, toàn tỉnh có trên 20 cơ sở chưng cất tinh dầu quế thủ công quy mô vừa; 2 nhà máy chế biến sản phẩm quế có công suất tương đối lớn và 40 cơ sở thu cành, lá, vỏ quế hoạt động thường xuyên. Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ quế lớn nên đầu ra cho cây quế rất thuận lợi.

Đón hướng đi cho cây quế trở thành hàng hóa và góp phần đưa cây quế phát triển bền vững ở Lào Cai, được sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Công ty cổ phần Techvina đã liên kết với các nhóm nông dân tại xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà xây dựng chuỗi liên kết, chuẩn bị các điều kiện để đạt chứng chỉ Hữu cơ quốc tế. Tháng 5/2016 Công ty cổ phần Techvina đã có báo cáo gửi tổ chức ACT Thái Lan (Organic Agriculture Certification Thailand) để xin cấp chứng chỉ quế hữu cơ nằm trên địa bàn 5 thôn, xã Nậm Đét, thuộc quản lý của 216 hộ gia đình với diện tích 400 héc-ta đã cho thu hoạch vỏ quế. Đây là hướng đi đúng cho cây quế, rất cần các địa phương có vùng trồng quế trong tỉnh mở rộng sản xuất quế hữu cơ trên địa bàn tỉnh, xây dựng thương hiệu “Quế hữu cơ tỉnh Lào Cai”; tiến tới thành lập Hiệp hội quế Lào Cai và các nhóm nông dân trồng quế làm cầu nối và tạo sự công bằng cho quyền lợi của người dân trồng quế và các doanh nghiệp chế biến quế.

Năm 2017, Lào Cai đã hỗ trợ phụ nữ xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà xây dựng thành công mô hình 8 tổ, nhóm liên kết đồng sở thích trồng quế để xây dựng thương hiệu vùng quế hữu cơ Nậm Đét. Toàn xã Nậm Đét hiện đang có khoảng 1.300 héc-ta quế, với hơn 400 hộ dân tham gia trồng. Cây quế đã thực sự trở thành loại cây hàng hóa giúp bà con Nậm Đét phát triển kinh tế bền vững. Chính vì vậy, Nghị quyết của Đảng ủy xã Nậm Đét và Đảng bộ huyện Bắc Hà cũng xác định, mục tiêu mỗi năm sẽ phấn đấu phát triển thêm 70 héc-ta trồng quế. Quỹ đất của xã còn bao nhiêu sẽ tiếp tục được quy hoạch để bà con trồng, tạo điều kiện giúp bà con phát triển kinh tế. Trên thực tế, cây quế đã tạo công ăn việc làm cho bà con, giúp đồng bào dân tộc thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Từ một xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện nghèo Bắc Hà, Nậm Đét đang chuyển mình rõ nét, đời sống của người dân được nâng cao. Tất cả là nhờ vào trồng quế có giá trị kinh tế cao. Đây là cơ sở để Lào Cai nâng cao chất lượng cây quế và các sản phẩm từ quế trong những năm tới. Lào Cai cũng đã phê duyệt vùng trồng cây quế và hệ thống các cơ sở chế biến giai đoạn 2015 – 2025. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư phát triển trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp.

Ngoài ra, Lào Cai đặc biệt quan tâm đến việc chế biến các sản phẩm từ quế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chú trọng chất lượng, chiết xuất tinh dầu quế tinh với hàm lượng tinh dầu cao, năng suất chất lượng tốt. Tăng cường gắn kết 4 nhà: Nhà nước - nhà nông - nhà kinh doanh - nhà khoa học tạo môi trường trao đổi thông tin minh bạch; đào tạo người dân cùng sản xuất quế hữu cơ và xây dựng chứng chỉ hữu cơ cho sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm từ cây quế; xây dựng các hợp tác xã thu mua sản phẩm quế để đảm bảo ổn định đầu ra cho cây quế và xây dựng mô hình phát triển vùng trồng quế gắn với du lịch cộng đồng.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Khánh Hòa: Thương lái tăng cường thu mua tỏi

Do sản lượng tỏi năm nay khan hiếm, cộng với giá tăng cao nên nhiều thương lái tranh thủ thu gom tỏi của nông dân.

Nhiều chủ vườn tỏi tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, thương lái ồ ạt đến tận nơi thu mua tỏi để xuất bán cho các tỉnh, thành trong cả nước. Đầu mùa, giá tỏi chỉ 20.000 đồng/kg tỏi tươi và 30.000 đồng/kg loại tỏi khô. Hiện tại,  giá từ 35.000 đồng/kg tỏi tươi và 50.000 – 60.000 đồng/kg tỏi khô (tùy loại), tăng gấp gần 2 lần so với đầu vụ. Do sản lượng tỏi năm nay khan hiếm, cộng với giá tăng cao nên nhiều thương lái tranh thủ thu gom tỏi của nông dân.

Diện tích trồng tỏi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ước khoảng 600 héc-ta, nguồn giống được cung cấp chủ yếu từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Do thời tiết mưa kéo dài cuối năm, cộng với nắng hạn đầu năm đã làm cho năng suất tỏi giảm, chỉ đạt từ 4 - 5 tạ/sào, giảm hơn 50%. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, giá tỏi tăng mạnh nên nhiều hộ trồng tỏi phấn khởi và hy vọng vớt lại đồng vốn. Giá tỏi tăng, tỏi thu mua không đủ đáp ứng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Thậm chí, một số vựa tỏi không đủ nhân công phải thuê thêm người đến tận nơi thu gom tỏi.

Cây tỏi được xem là một trong những loại cây chủ lực của xã Ninh Sơn. Toàn xã có trên 106 héc-ta, với khoảng 100 hộ trồng. Hiện nay, giá tỏi của địa phương đã tăng mạnh nên nhiều hộ nông dân sẽ có lãi.

Hà Giang: Phát triển nghề nuôi bò trên cao nguyên đá

Bò vàng núi cao còn gọi là bò H’Mông vì được người H’Mông và Dao nuôi nhiều ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Vùng cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh Hà Giang gồm các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Với địa hình chủ yếu là đồi núi đá, giống bò có sức chống chịu tốt với giá lạnh, di chuyển được trên địa hình hiểm trở, dốc đứng. Thịt bò vàng mềm, thơm, nên được nhiều nhà hàng ưa chuộng. Để gìn giữ nguồn gen quý có nhiều phẩm chất thích nghi với khí hậu địa phương, huyện Quản Bạ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi bò vàng núi cao thương phẩm. Cụ thể, với xã, các hộ chăn nuôi lớn được các cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ tiêm phòng. Những năm gần đây, còn hỗ trợ về thụ tinh nhân tạo để giữ gìn gen bò quý, loại bỏ bớt các giống bò cóc, bé, lai tạp. Theo chương trình vay vốn theo Nghị quyết 209, mỗi hộ chăn nuôi cũng được vay 20 triệu đồng mỗi con, tối thiểu mua 3 con. Mỗi trại được vay 23 triệu đồng phát triển mỗi héc-ta đồng cỏ làm thức ăn, nhưng không quá 2 héc-ta. Nhờ chính sách hỗ trợ này, các hộ nghèo ở cao nguyên đá đã có điều kiện phát triển đàn bò.

Những năm qua, Đảng bộ các huyện vùng cao nguyên đá xác định bò vàng là con chủ lực trong phát triển kinh tế hộ. Vì vậy, các huyện đều tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò vàng. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi vỗ béo bò vàng Hà Giang nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội. Hỗ trợ người dân tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển đàn bò của tỉnh; vận động và hỗ trợ các hộ chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Hỗ trợ mạnh việc thụ tinh nhân tạo, cải tạo đàn bò, phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò trên địa bàn đạt trên 33.000 con.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Giá hạt tiêu có dấu hiệu hồi phục

Tuần qua, thị trường hạt tiêu tăng 500 – 1.000 đồng/kg so với phiên giao dịch trước. Hiện tại, các doanh nghiệp và thương lái thu mua tiêu ở mức 43.500 – 45.500 đồng/kg. Tuy nhiên, tình trạng cung vượt cầu đối với mặt hàng hồ tiêu trên thế giới vẫn chưa chấm dứt. Trong khi đó, 95% tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu nên yếu tố thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến giá tiêu trong nước. Đây chính là hệ quả của việc phá vỡ quy hoạch trồng tiêu. Hệ quả là chỉ trong vòng 5 năm (từ 2013 - 2018) diện tích tiêu tăng gấp 3 lần từ 53.000 lên 152.000 héc-ta. Trong khi đó, theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở 50.000 héc-ta. Ngoài ra, các nước trồng tiêu khác như Brazil, Campuchia cũng tăng diện tích theo. Tồn kho năm này qua năm khác dồn ứ, cung nhiều hơn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Tiền Giang: Ngao trúng giá nhưng mất mùa

Hiện nay, ngư dân vùng ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang lo âu vì con nghêu trúng giá nhưng mất mùa do bị chết chưa rõ nguyên nhân. Ở thời điểm này, ngao có kích cỡ từ 40 - 50 con/kg, giá từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, tăng gần 2 lần so cùng kỳ năm ngoái. Tuy giá cao nhưng những ngày gần đây, nắng gay gắt, độ mặn của nước biển tăng lên đã khiến nhiều sân ngao có hiện tượng chết hàng loạt.

Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 2.000 héc-ta bãi biển nuôi ngao, tập trung nhiều ở xã Tân Thành, Tân Điền (huyện Gò Công Đông) và Phú Tân (huyện Tân Phú Đông). Sau khi xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt, các ngành chức năng đã đến khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Năm ngoái, khu vực này đã có 4 đợt ngao chết, làm thiệt hại trên 100 héc-ta ngao.

Cua huỳnh đế bán chạy

Cua huỳnh đế được đánh bắt ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận). Loại này thường sống ở xa bờ, vùng biển sạch, nước sâu, nơi có đất cát và sỏi. Tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch là vào vụ thu hoạch cua huỳnh đế. Năm nay, nguồn hải sản này khá dồi dào nhưng giá lại tăng mạnh so với mọi năm. Tại đảo Phú Quý, giá thu mua cua huỳnh đế lên tới 850.000 đồng/kg, trong khi vụ năm ngoái giá chỉ khoảng 500.000 - 600.000/kg đồng. Cua huỳnh đế năm nay dồi dào, nhưng vì nhu cầu tăng cao nên giá sản phẩm tăng mạnh. Nhiều khách đặt hàng nhưng có những đợt phải đợi 3 - 4 ngày mới có hàng vì thời tiết không thuận lợi, gió mạnh. Đặc biệt, cua năm nay có trọng lượng từ 700 gram đến 1,2 kg một con, thậm chí có con trên 2 kg, nhưng khá hiếm hàng, mỗi đợt về chỉ có vài con.

Lâm Đồng: Sầu riêng tăng giá mạnh

Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ điều, mía, cà phê sang sầu riêng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, hiện nay, giá sầu riêng ở Lâm Đồng đang tăng 20.000 - 25.000 đồng so với năm ngoái. Nguyên nhân do thời tiết thất thường nên sầu riêng ra trái không đồng loạt. Một số cây đã có quả thu, ngược lại, có cây chỉ mới bung nhụy. Do đó, sản lượng sầu riêng cung ứng ra thị trường không nhiều nên giá tăng mạnh. Nếu năm ngoái thương lái đến thu mua tại vườn có giá 40.000 - 45.000 đồng/kg thì nay tăng lên 65.000 - 70.000 đồng/kg. Dự báo, giá sầu riêng có khả năng còn tăng cao vì nhiều thương lái đi thu gom. Nhiều nơi thương lái đã đề nghị mua tại vườn với giá 80.000 đồng/kg. Với những vườn sầu riêng chất lượng tốt, bà con không bán cả vườn cho thương lái mà để dành bán lẻ với giá 120.000 -140.000 đồng/kg.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Vựa chuối tiêu hồng mất mùa

Xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu được coi là vựa chuối tiêu hồng lớn nhất tỉnh Hưng Yên. Ở thời kỳ phát triển nhất, diện tích trồng chuối tiêu hồng toàn xã đã lên tới gần 100 héc-ta.

Tuy nhiên, hiện diện tích chuối đã giảm chỉ còn 1/3 (khoảng 35 héc-ta). Nguyên nhân do hàng chục năm liên tục thâm canh chuối tiêu hồng, các hộ đã không chú ý luân canh hợp lý cây chuối với các cây trồng khác, không thực hiện vệ sinh triệt để đồng ruộng sau mỗi mùa vụ thu hoạch quả, chăm bón không cân đối và chủ yếu sử dụng cây giống tách chồi... Điều này khiến vườn chuối bị phát sinh nhiều loại nấm bệnh hại nguy hiểm, trong đó có bệnh vàng lá Panama do virus gây ra. Cây chuối bị bệnh sẽ chết dần và không cho thu hoạch. Các chân ruộng bị nhiễm vàng lá Panama, vụ sau không thể tiếp tục trồng chuối, vì bệnh sẽ phát sinh gây hại nặng hơn.

Ban đầu bệnh chỉ xuất hiện rải rác ở một số nhà vườn, sau lan ra khắp cánh đồng, gây thất thu trên diện rộng. Người dân đã phun đủ loại thuốc bảo vệ thực vật, mua cả giống chuối nuôi cấy mô sạch bệnh về trồng, vẫn không ngăn chặn được bệnh vàng lá Panama phát sinh. Một số gia đình đã chuyển đổi chuối tiêu hồng sang trồng chuối tây, nhưng cũng chỉ thu hoạch hết vụ thứ 2 là phải hủy bỏ, vì vẫn bị chứng bệnh “nan y” gây hại. Mặt khác, hiệu quả thu nhập từ trồng chuối tây cũng không thể bằng trồng chuối tiêu hồng.

Trước nguy cơ cây chuối tiêu hồng không thể bám trụ được ở xã Tứ Dân, đã có trên chục hộ dân thuê lại các khu bãi ven sông ở ngoại tỉnh để trồng thâm canh chuối tiêu hồng. Một số hộ gia đình khác đã chuyển đổi sang gieo trồng cây có múi, chủ yếu là sản xuất giống cây ăn quả các loại. Tuy nhiên, phần lớn các hộ còn lại trên địa bàn vẫn đang cần một giải pháp căn cơ từ các cấp ngành chuyên môn để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Thanh Hóa: Kiểm soát vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm từ lợn

Để khống chế, hạn chế sự lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tích cực chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát việc vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm từ lợn. Thanh Hóa là một trong những địa phương triển khai mạnh mẽ hoạt động này.

Thực hiện Công văn số 1694/BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn, ngày 15/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 2989/UBND-NN, yêu cầu tăng cường kiểm soát vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra – vào địa bàn, từ tỉnh đến thôn, bản, khu phố; thực hiện nghiêm quy định về truy xuất nguồn gốc, chuẩn đoán lâm sàng và tiêu độc, khử trùng đối với các phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn qua các trạm, chốt kiểm dịch động vật…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Sở Giao thông - Vận tải và UBND các huyện Tĩnh Gia, Như Xuân, Thạch Thành, Nga Sơn và thị xã Bỉm Sơn chỉ đạo, thường trực, bố trí đủ nhân lực và kinh phí hoạt động cho 2 trạm Kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 1A, 4 chốt Kiểm dịch động vật tạm thời trên đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 10, quốc lộ 45 nhằm kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn và các loại động vật khác ra vào địa bàn tỉnh. Quan tâm đặc biệt đến các phương tiện vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn từ các tỉnh phía Bắc, các tỉnh đã phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa để vào tiêu thụ tại thị trường các tỉnh phía Nam... UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí kinh phí và nhân lực để bảo đảm hoạt động cho các chốt kiểm dịch động vật; đồng thời thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc tiêu độc, khử trùng và tổ chức tiêu hủy lợn, các sản phẩm từ lợn phát hiện bị bệnh.

HÀNG VIỆT

Tỏi Lý Sơn mất mùa, giảm giá

Những ngày này, nông dân huyện đảo Lý Sơn đang bước vào chính vụ thu hoạch tỏi đông xuân 2018 - 2019. Tỏi là cây trồng chủ lực, tạo nguồn thu chính cho nông dân trên đảo. Tuy nhiên, sản lượng tỏi đạt thấp khiến người nông dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê, hiện có gần 4.000 hộ nông dân trên đảo cùng chung cảnh ngộ mất mùa tỏi. Mỗi sào tỏi, bà con nông dân phải đầu tư trên dưới 15 triệu đồng nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay là giai đoạn quan trọng để cây tỏi tạo củ nhưng gặp thời tiết nắng hạn, kèm với sương muối và sâu bệnh gây hại khiến cây tỏi khô ráp và tóp củ, dẫn đến tỏi giảm năng suất và sản lượng.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết: Hiện nay, trên toàn huyện có khoảng trên 300 héc-ta trồng tỏi. Năm 2018, tỏi tươi Lý Sơn đạt 2.700 tấn (tương đương khoảng 2.000 tấn tỏi khô). Tuy nhiên, năm nay hạn hán, nắng nóng kéo dài kèm sâu bệnh gây hại nên năng suất tỏi chỉ đạt khoảng trên 1.200 tấn tỏi khô. Giá tỏi trên thị trường hiện tại là 30.000 đồng/kg tỏi tươi (loại nhỏ), 50.000 đồng/kg (loại to), 60.000  - 80.000 đồng/kg tỏi khô. Mức giá này thấp hơn so với năm ngoái nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, do sản lượng thấp nên bà con trồng tỏi vụ đông xuân gặp nhiều khó khăn.

Nhằm hỗ trợ bà con, vừa qua, Ban Thường vụ huyện ủy Lý Sơn đã tổ chức cuộc họp chuyên đề hỗ trợ người nông dân khi tỏi mất mùa, rớt giá. Huyện cũng đã triển khai nhiều giải pháp như: Vận động người dân, các chủ tàu thuyền không chở tỏi từ nơi khác ra huyện đảo Lý Sơn; thường xuyên kiểm tra các hộ kinh doanh tỏi và yêu cầu phải có bảng phân định rõ ràng giữa tỏi Lý Sơn và tỏi địa phương khác để người tiêu dùng yên tâm.

Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu tỏi Lý Sơn, các sản phẩm khi bán ra cần phải truy xuất được nguồn gốc và phải có tem chống hàng giả. Từ thông tin trên bao bì, khách hàng có thể biết được sản phẩm tỏi của từng hộ nông dân, đã xuất bán hay chưa, nếu là tỏi giả thì hộ nông dân phải chịu trách nhiệm. Đây là biện pháp nhằm bảo hộ thương hiệu tỏi Lý Sơn theo quy định, đồng thời ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Và khi tỏi Lý Sơn có nguồn gốc rõ ràng, giá trị sẽ tăng cao và thương hiệu tỏi Lý Sơn sẽ được giữ vững trên thị trường.

Huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo Hội Kinh doanh sản xuất chế biến hành tỏi Lý Sơn và các ngành kiểm soát đầu cảng Sa Kỳ và các tư thương không đưa tỏi nơi khác về Lý Sơn. Ngoài ra, huyện đang tiến hành thực hiện đề tài khoa học chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Đến nay, các bước thủ tục đã xong và đang hợp đồng với đơn vị tư vấn để khảo sát, đánh giá. Các cơ quan chức năng đang cố gắng đến cuối năm 2019 chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn sẽ được thực hiện. Đây là bước chuyển để người tiêu dùng và người sản xuất tỏi Lý Sơn có nguồn gốc rõ ràng. Khi có chỉ dẫn này, huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cũng như bảo vệ thương hiệu và nâng giá trị cho cây tỏi Lý Sơn.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)