Thông tin giá cả thị trường số 1/2017

12:00 AM 01/05/2017 |   Lượt xem: 2990 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bấp bênh chuối xuất khẩu

Hàng trăm héc-ta chuối già hương tại huyện Trảng Bom và Thống Nhất (Đồng Nai) đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái không thu mua.

Khác với các loại chuối cau, chuối sứ, chuối bơm... chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa, mặt hàng chuối già xuất khẩu hiện hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việc tiêu thụ loại chuối này theo hình thức mua đứt, bán đoạn, giá biến động theo ngày. Do vậy, chỉ cần thương lái ngừng hoặc tạm ngưng thu mua là giá chuối giảm mạnh. Vào thời điểm này năm ngoái, chuối già hương tại Đồng Nai được thương lái thu mua với giá 14.000 - 16.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 2.000 đồng/kg. Dù giá rẻ như vậy nhưng thương lái cũng không thu mua khiến nhiều nông dân để mặc chuối chín đầy vườn.

Nguyên nhân chính khiến giá chuối giảm mạnh là do cung vượt cầu. Thời gian gần đây, người dân đua nhau trồng giống chuối này trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa có hạn, chỉ cần thương lái chậm thu gom mặt hàng này xuất khẩu là giá giảm.

Hiện nay, chuối là cây trồng chủ lực của huyện Trảng Bom và Thống Nhất. Mặc dù địa phương đã có khuyến cáo người dân cần thận trọng khi trồng loại chuối này nhằm tránh trường hợp ồ ạt tăng diện tích nhưng nông dân không làm theo. Thực tế mấy năm trước, giá chuối già hương vẫn còn ở mức cao, chỉ có năm nay giá giảm mạnh do phía Trung Quốc chưa thu mua dẫn đến lượng chuối tồn đọng nhiều. Bên cạnh đó là tình trạng thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Các công ty chuyên thu mua chuối xuất khẩu cũng cho biết, ngoài thị trường Trung Quốc, chuối còn được xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, những thị trường này lại yêu cầu cao hơn về chất lượng. Vì vậy, bà con nông dân nên hợp tác với doanh nghiệp để có đầu ra bền vững, tránh rủi ro như cách chạy theo phong trào hiện nay.

Thị trường chè nguyên liệu sôi động

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường chè nguyên liệu tháng đầu năm 2017 sôi động hơn so với thường lệ. Giá chè nguyên liệu cũng tăng do lượng cầu lớn trong dịp Tết Đinh Dậu. Cụ thể, tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao tăng thêm 5.000 đồng/kg lên 190.000 đồng/kg, chè xanh búp khô và chè xanh búp khô đã sơ chế loại 1 tăng 5.000 đồng/kg lên lần lượt 140.000 đồng/kg và 105.000 đồng/kg. Tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, giá chè nguyên liệu (búp tươi) sản xuất chè xanh loại 1 tăng 1.000 đồng/kg lên 8.000 đồng/kg, giá chè nguyên liệu sản xuất chè đen tăng 500 đồng/kg lên 4.000 đồng/kg.

Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) cho biết, thời gian qua, xuất khẩu chè có sự thay đổi rõ rệt. Điểm đáng chú ý là chè Việt đã phát triển dòng sản phẩm cao cấp vào thị trường Mỹ. Các thị trường quan trọng khác như: ASEAN, Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn duy trì tốc độ ổn định.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

 Giá sắn giảm, nông dân thua lỗ

Với tổng diện tích hơn 40.000 héc-ta, Kon Tum là tỉnh có diện tích sắn lớn nhất trong khu vực Tây Nguyên. Loại cây trồng này là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục nghìn hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, tình trạng “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa” vẫn là nỗi lo thường trực của bà con mỗi khi vào chính vụ.

Xuất khẩu tinh bột sắn gặp khó

Đặc biệt, năm nay do việc xuất khẩu tinh bột sắn gặp khó nên các doanh nghiệp thu mua sắn nguyên liệu với mức giá rẻ, khiến người trồng sắn thất thu và có nguy cơ mất tết. Mặc dù đang trong thời điểm chính vụ thu hoạch, song 6 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại các huyện: Ngọc Hồi, Đắk Tô, Đắk Hà và Sa Thầy đều sản xuất cầm chừng. Giá thu mua sắn củ tươi của các nhà máy chỉ từ 1.200 - 1.300 đồng/kg, thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng và thu mua nguyên liệu với giá thấp là do xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chính, gần như đình trệ. Chính vì vậy, hiện nay các nhà máy thu mua nguyên liệu chủ yếu để cho bà con có tiền ăn tết chứ gần như không xuất được. Thậm chí, nếu bà con tự bán cho thương lái thì chỉ đạt mức trên dưới 1.000 đồng/kg.

Với giá thu mua sắn như hiện nay, người trồng sắn ở Kon Tum cầm chắc thua lỗ hoặc chấp nhận lấy công làm lãi. Nhiều hộ gia đình sau khi trừ tiền đầu tư, phân bón, chăm sóc và công nhổ, vừa vặn hòa vốn. Đặc biệt với các hộ trồng sắn chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở huyện Đắk Hà đã lỗ nặng do sắn không bán được, giá quá thấp. Ngoài ra, bà con nông dân trồng sắn ở tỉnh Kon Tum còn phải chịu thiệt do không có phương tiện vận chuyển nên bị tư thương ép giá. Tại địa bàn những huyện xa nhà máy như: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đắk Glei, người dân chỉ bán được sắn với giá từ 800 - 1.000 đồng/kg. Thậm chí có những khu vực giao thông khó khăn, chỉ bán được từ 500 - 700 đồng/kg. Với giá quá thấp, một số hộ đã bỏ mặc ruộng vườn, không buồn thu hoạch.

Cung vượt cầu

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do tình trạng cung đã vượt cầu. Được xác định là cây trồng của người nghèo, phù hợp với trình độ canh tác của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua diện tích cây sắn ở tỉnh Kon Tum không ngừng được mở rộng. Ngoài hơn 40.000 héc-ta sắn hiện có, địa phương đang tích cực chuyển đổi một diện tích đáng kể lúa nước thường xuyên bị khô hạn sang trồng loại cây này. Chính vì vậy, diện tích sắn hiện đã vượt hơn 10.000 héc-ta so với kế hoạch đề ra. Trước tình hình này, tỉnh đã khuyến cáo người dân không tăng thêm diện tích trồng sắn mà đi vào thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, trong đợt nắng hạn vừa qua, trên một số diện tích cây trồng như lúa, cà phê thiếu nước bị chết, người dân đã chuyển sang trồng sắn nên diện tích đang ngày càng tăng.

Trước mắt, với tình trạng giá sắn giảm sâu như hiện nay, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân chỉ nên thu hoạch số diện tích sắn vùng bán ngập. Riêng phần diện tích ở các nương rẫy cần chờ thêm thời gian để chờ giá lên. Các gia đình khó khăn nên đến các vùng thu hoạch cà phê để làm công kiếm thêm thu nhập. Bà con cũng không nên nhổ sắn bán đổ, bán tháo như hiện nay mà cần có biện pháp bảo quản ngắn ngày, chờ giá tăng.

MUA GÌ BÁN GÌ

Huyện Hoài Ân (Bình Định)

Bưởi được giá, nhà vườn phấn khởi

Bà con trồng bưởi ở các xã: Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Đức, Ân Thạnh, Ân Nghĩa… thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định hết sức phấn khởi khi giá bưởi tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Hiện giá bưởi Năm Roi bán tại vườn dao động ở mức 20.000 - 30.000 đồng/kg, bưởi da xanh từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn so cùng kỳ năm trước từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Sức tiêu thụ cũng tăng cao. Nhiều thương lái đang đổ xô đến các nhà vườn để thu mua đưa đi tiêu thụ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Mặc dù năm nay, năng suất bưởi giảm do mưa lũ kéo dài nhưng giá lại tăng khá mạnh khiến nhà vườn rất phấn khởi. Tính trung bình, một nhà vườn trồng trên dưới 300 gốc bưởi sẽ cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, nhà vườn thu lãi gần 70 triệu đồng.

Giá cam sành giảm mạnh

Hiện giá cam sành Hà Giang đã giảm khoảng một nửa so với năm trước. Nguyên nhân do sản lượng cam các tỉnh cung cấp ra thị trường nhiều. Trong đó, cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) chín trước nên các chủ vườn đã bán ồ ạt ra thị trường kéo theo giá cam sành Hà Giang cũng bị giảm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch và phát triển cây cam tại Hà Giang vẫn còn bất cập, dẫn tới chưa kiểm soát được nguồn cung ra thị trường. Năm ngoái, giá cam sành VietGAP dao động từ 24.000 - 32.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn 10.000 - 15.000 đồng/kg, thậm chí loại bình thường giá chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Với giá này, hầu hết các hộ trồng cam đều không có lãi.

Toàn tỉnh Hà Giang hiện có khoảng 7.900 héc-ta cam, trong đó trên 1.400 héc-ta được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap. Theo định hướng, tỉnh tiếp tục ổn định diện tích cam đến năm 2020 với tổng sản lượng đạt 50.000 - 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giá cam sành tăng cao nên người dân đã tập trung trồng cam khiến diện tích tăng vượt quy hoạch.

Lâm Đồng: Rau xanh tăng giá

Tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), giá rau xanh đang có xu hướng tăng khiến người trồng rất phấn khởi. Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương, do ảnh hưởng từ đợt mưa lũ vừa qua, hơn 1.700 héc-ta rau thương phẩm của Đơn Dương bị mất trắng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công ty, hợp tác xã tại Đơn Dương đã nhanh chóng bắt tay vào phục hồi sản xuất để đảm bảo cung ứng cho các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản lượng rau giảm mạnh do mưa lũ đã khiến nông sản đội giá so với các thời điểm trước. Cụ thể, giá cà chua tăng cao nhất với mức 22.000 đồng/kg, cải thảo 4.000 đồng/kg, bắp cải 5.000 đồng/kg…

huyện Lai Vung (Đồng Tháp): Giá quýt hồng dịp Tết cho lãi khá

Quýt hồng Lai Vung là loại trái cây đặc sản của Đồng Tháp, tập trung trồng nhiều nhất ở các xã: Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và Vĩnh Thới. Toàn huyện trồng gần 900 héc-ta. Năm nay, do biến đổi khí hậu bất thường làm quýt non bị rụng trái và sâu bệnh nên toàn huyện giảm sản lượng từ 5.000 - 10.000 tấn. Với năng suất bình quân từ 40 - 50 tấn/héc-ta, giá bán từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nhiều nhà vườn thu lãi hơn 800 triệu đồng/héc-ta. Nhiều nhà vườn còn nâng cao giá trị cho cây quýt hồng bằng việc mở điểm du lịch đến tham quan trải nghiệm vườn quýt hồng. Ngoài việc bán vé từ 25.000 - 50.000 đồng/người, chủ vườn còn bán quýt hồng tại vườn với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn còn cho quýt hồng vào chậu bán tết mỗi cây từ 500.000 - 10 triệu đồng/cây.

Đặc biệt ở Lai Vung có Tổ hợp tác quýt Vĩnh Thới đã giúp nhà vườn nâng cao giá quýt hồng trong dịp tết bằng việc áp dụng quy trình sản xuất GlobalGAP nên giá bán cao hơn từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Vào v dưa hu tết

Tại các vùng miền núi của tỉnh Phú Yên, Bình Thuận… hàng trăm nông dân đang tập trung thu hoạch dưa hấu vụ Đông Xuân. Nếu như năm ngoái, người trồng dưa phải bán đổ, bán tháo vì giá dưa rẻ mạt thì năm nay, giá tăng đột biến khiến ai cũng vui mừng.

Phú Yên: Thương lái thu mua dưa tại chân ruộng

Vụ dưa hấu năm nay, tỉnh Phú Yên có hơn 700 héc-ta, tập trung ở miền núi thuộc các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Phần lớn người trồng dưa là những nông dân từ tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi vào thuê đất để sản xuất với giá từ 5 - 10 triệu đồng/héc-ta/vụ. Theo tính toán của các hộ dân, chi phí đầu tư cho 1 héc-ta từ 120 - 140 triệu đồng. Năng suất bình quân 40 tấn/héc-ta nên giá dưa phải từ 4.000 đồng/kg trở lên mới mong hoà vốn hoặc có lãi. Ngược lại, nếu giá thấp hơn, nhiều khả năng, người trồng dưa bị lỗ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh, hàng năm vào thời điểm từ tháng 12 âm lịch đến tháng 2 năm sau, khi nông dân hoàn thành thu hoạch sắn, diện tích đất bỏ trống chờ sản xuất vụ tới có hàng nghìn héc-ta. Đây là thời điểm vào vụ canh tác dưa hấu nên hàng trăm người từ các tỉnh lân cận vào thuê đất trồng dưa hấu vụ tết. Đây cũng là địa điểm thuận lợi để thương lái đưa hàng lên cửa khẩu Tân Thanh, xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, nhiều thương lái đã đến tận chân ruộng để thu mua dưa.

Bình Thuận: Giá dưa cao, nông dân phấn khởi

Tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, thời điểm này bà con nông dân cũng tất bật thu hoạch vụ dưa hấu tết. Năm nay, người trồng phấn khởi bởi dưa hấu được giá, tiêu thụ ổn định từ 10.000 - 12.000 đồng/kg tại ruộng. Vùng dưa hấu tết ở Bình Thuận chủ yếu tập trung tại huyện Đức Linh, nhất là các xã nằm ven sông La Ngà như: Võ Xu, Mê Pu… Vụ dưa tết năm nay, tuy bị ảnh hưởng của những trận mưa cuối năm nên năng suất không cao nhưng dưa bán được giá, không có tình trạng ùn ứ. Hiện giá dưa hấu dài tại ruộng từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với năm trước. Loại dưa tròn thường bày trong mâm ngũ quả ngày tết, giá dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Xe công nông từ các cánh đồng Nam Chính, Võ Xu và Mê Pu ra vào tấp nập ở bãi tập kết. Còn xe tải từ khắp nơi đổ về nối đuôi nhau chờ nông dân ra cân dưa chở đi tiêu thụ.

Một thương lái cho biết, năm nay, do nguồn dưa ở các nơi khác ít nên nhiều đầu mối về vùng Đức Linh gom hàng. Từ nhiều ngày trước, các thương lái đều phải đặt cọc cho nhà vườn mới mua đủ hàng để xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thời tiết, dưa bị mất mùa nên sản lượng thấp. Tuy nhiên, với giá bán như hiện nay, nhà vườn có thu nhập 8 - 10 triệu đồng/sào.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Năng suất dưa hấu giảm 20 - 30%

Là một trong những địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những ngày này, trên cánh đồng của các huyện Châu Đức, Long Điền, nông dân đang chăm sóc, tưới phân thúc trái cho mùa dưa hấu tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng được dự báo sẽ giảm. Đặc biệt, một số ruộng dưa bị thiệt hại trên 50% do thời tiết diễn biến phức tạp. Nhiều diện tích dưa xuống giống ở các thửa ruộng cao cũng bị ngập úng khiến cây dưa chậm phát triển, năng suất dưa giảm đến một nửa so với mọi năm.

Hiện các thương lái đã đến tận ruộng đặt mua dưa với giá 12.000 đồng/kg nhưng nhiều hộ vẫn chưa đồng ý bán vì dự đoán tình hình năm nay dưa thất thu nên giá sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo, với tình hình thời tiết diễn biến khó lường như hiện nay, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình dịch bệnh nhằm sớm phát hiện và xử lý kịp thời. 

HÀNG VIỆT

Hàng Tếv min núi: Hàng Việt chiếm ưu thế

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm, những chuyến hàng về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa do Sở Công Thương các địa phương và doanh nghiệp lại được tổ chức. Năm nay, điểm đặc biệt của các chuyến hàng là lượng hàng hóa phong phú và hầu hết là hàng Việt Nam.

Nguồn hàng đầy đủ

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nguồn cung hàng hóa tết tại hầu hết các địa phương trên cả nước, như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nghệ An, Quảng Bình… đều khá dồi dào. Đặc biệt, với chất lượng tốt, giá cả phải chăng, trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, hàng Việt Nam sẽ chiếm ưu thế.

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho nhu cầu sử dụng của người dân, tại Nghệ An, các doanh nghiệp (DN) như Công ty Lương thực Thành Lang, Hùng Tiến… đã tham gia vào chương trình bình ổn giá và cung ứng số lượng lớn các mặt hàng gạo nếp, gạo tẻ, dầu ăn… ra thị trường. Không những đảm bảo nguồn hàng cho khu vực thành phố, lượng hàng hóa còn được phân phối qua các cửa hàng chuyên doanh có mặt khắp các xã, huyện cung ứng hàng ở vùng sâu, vùng xa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.

Tại Quảng Bình, một số DN bán lẻ lớn trên địa bàn như: Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, Siêu thị Hiếu Hằng, Công ty TNHH Hà Thọ, Siêu thị Thái Hậu… đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết với tổng số tiền 157 tỷ đồng. Để phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, các DN này đã chủ động mở rộng hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa đến các huyện vùng sâu, vùng xa, thực hiện các chuyến hàng đưa hàng Việt về nông thôn, mở các đợt khuyến mại kích cầu tiêu dùng, tổ chức hội chợ tại các huyện miền núi như: Bố Trạch, Tuyên Hóa…

Riêng tại Phú Thọ, trong quý 4/2016, Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện tổ chức 1 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Yên Lập và 2 hội chợ thương mại tại huyện Thanh Sơn và Tân Sơn. Nhằm giúp bà con vùng miền núi được mua hàng Việt chính hãng, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ còn xây dựng thành công 3 Điểm bán hàng Việt Nam tại các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Sơn và sắp tới là huyện Thanh Ba. Đây đã trở thành địa chỉ mua sắm hàng hóa đáng tin cậy cho bà con, nhất là trong dịp tết.

Để đồng bào các xã miền núi có điều kiện mua sắm hàng hóa chất lượng với giá bình ổn, tỉnh Bình Thuận đã tăng cường đưa hàng bình ổn giá về phục vụ ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số đón Tết 2017. Chương trình bán hàng lưu động đưa hàng về bán tại 11 xã vùng cao, vùng thuần đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam vào cuối tháng 1/2017 phục vụ bà con đón tết.

Đảm bảo không tăng giá

Nhu cầu hàng hóa của bà con trong dịp tết tăng lên nhanh chóng, đặc biệt với các địa phương ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do đó, việc đảm bảo cho bà con được mua hàng đúng giá là điều quan trọng hàng đầu, bởi vậy, các địa phương đã chú trọng đảm bảo bình ổn giá cho bà con.

Bộ Công Thương cho hay, năm nay, nhiều địa phương đã triển khai chương trình bình ổn giá bằng cách kết nối giữa DN sản xuất và ngân hàng để DN được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đơn cử, UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành hỗ trợ DN lãi suất vay ngân hàng để mua hàng dự trữ trong 3 tháng (từ 15/12/2016 đến 15/3/2017). Các DN tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất vay đều cam kết, phải có ít nhất 3 điểm bán lẻ trên địa bàn tỉnh với giá bán không cao quá 10% so với giá mua vào và thấp hơn giá thị trường.

Theo Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, với các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hàng hóa không những được đảm bảo chất lượng mà còn được bán với giá phải chăng bởi Sở Công Thương đã hỗ trợ các DN chi phí vận chuyển. Riêng hàng hóa tại các Điểm bán hàng Việt Nam luôn phong phú, đa dạng và được bán với giá thấp hơn giá thị trường từ 5 – 10%. Do đó, bà con sẽ được mua hàng với giá hợp lý, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Bấp bênh chuối xuất khẩu

Hòa Bình: Tăng cường kiểm tra hàng lậu, hàng giả

Chợ vùng cao Ngọc Sơn, các chợ vùng sâu, vùng xa như: Chợ Phú Lương, Tân Lập… vào chính phiên thu hút rất đông người dân từ các xã trong cụm Ngọc Sơn - Ngọc Lâu - Tự Do (huyện Lạc Sơn) đến mua sắm hàng hóa. Vì vậy, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được lực lượng chức năng tăng cường.

Đây cũng là những điểm nóng về hàng giả, hàng kém chất lượng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, quá hạn sử dụng có tính chất nhỏ lẻ ở các chợ. Mặt hàng dễ bị làm giả được cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy là: Mì chính giả nhãn hiệu Ajinomotor, sữa, bánh, kẹo không còn hạn sử dụng…

Vì vậy, Đội Quản lý thị trường (QLTT) các huyện đã triển khai lực lượng đến các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, triển khai các phương án cụ thể tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian trước, trong, sau Tết Đinh Dậu.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, để hàng giả, hàng kém chất lượng không có cơ hội tẩu tán tiêu thụ vào địa bàn, Đội QLTT số 13 - chống hàng giả và gian lận thương mại, Đội QLTT số 12 - chống buôn lậu của tỉnh đã tích cực thực thi công vụ, phối hợp với lực lượng liên ngành BCĐ 389/ĐP kiểm tra, kiểm soát hành vi vận chuyển qua các tuyến đường giao thông chủ chốt. Chú trọng kiểm soát hành vi vận chuyển, buôn bán các mặt hàng cấm như: Pháo các loại, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, các mặt hàng nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, thực phẩm, nông sản, hoa quả, thuỷ sản, gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia súc, gia cầm, quần áo may sẵn, đồ gia dụng, đồ điện, điện tử…

Chi cục QLTT cũng chỉ đạo các đội tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt các hiện tượng vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng giả vào địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, phối hợp với QLTT một số tỉnh xây dựng phương án kiểm tra, xử lý các đối tượng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả từ các địa phương khác vào địa bàn tỉnh tiêu thụ.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)