Sơn La: Còn 35 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự

03:43 PM 27/10/2017 |   Lượt xem: 6909 |   In bài viết | 

Phối hợp tuyên truyền về các quy định pháp luật tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La)

Sơn La là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với địa hình rộng, giao thông chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều... Cùng với đó, đây cũng là tỉnh có vị trí thuận lợi là địa điểm trung chuyển trong việc buôn bán ma tuý từ một số tỉnh Tây Bắc về Hà Nội và các tỉnh khác. Do vậy, những năm trước đây, Sơn La có khá nhiều khu vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Tại các vị trí này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, đe doạ đời sống bình yên của cộng đồng dân cư.

Với quyết tâm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác quản lý địa bàn dân cư, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, cấp uỷ, chính quyền các cấp thời gian qua đã tập trung thực hiện tốt các biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn; tích cực phát hiện, đấu tranh, giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn.

Theo thống kê, cuối năm 2015, toàn tỉnh Sơn La còn 42 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, chiếm hơn 1/5 tổng số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Để tạo chuyển biến về an ninh trật tự tại các khu vực này, cuối năm 2015, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 144/2015 quy định nội dung, mức chi kinh phí và tổ chức mở cuộc vận động đối với cấp xã, thị trấn, bản, tiểu khu, hỗ trợ kinh phí cho các thành viên tham gia thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn. Tiếp đó, UBND tỉnh tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời báo cáo, đề xuất HĐND tỉnh duyệt, cấp kinh phí triển khai; giao cho Công an tỉnh và UBND các huyện triển khai thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn.

Theo đó, việc chuyển hóa địa bàn các khu vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự được thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, cùng với thực hiện chuyển hóa đối với địa bàn đã được xác định là trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, các địa phương còn chủ động tổ chức nắm bắt, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự đang hình thành tại các xã, phường, thị trấn khác trên địa bàn toàn tỉnh nhằm giải quyết tình hình phức tạp có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Tính đến cuối tháng 9/2017, với sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền các cấp, toàn tỉnh Sơn La đã đưa 05 xã ra khỏi diện trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Đó là các xã: Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai; Phổng Lái, huyện Thuận Châu; Lóng Phiêng, huyện Yên Châu; Chiềng Khương và Đứa Mòn, huyện Sông Mã. Tìm hiểu được biết, tại những xã này, trước đây thường xuyên diễn ra hoạt động của các loại tội phạm liên quan đến tình hình an ninh trật tư như: Tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tranh chấp đất đai, khiếu kiện… gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sự ổn định của địa bàn; điển hình như tình trạng trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, tội phạm về ma túy tại xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai do là địa bàn chung chuyển ma túy; tình trạng phức tạp về số người nghiện nhiều, trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu; tình hình phức tạp về xuất cảnh trái phép và vận chuyển trái phép chất ma túy tại xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu; Chiềng Khương, huyện Sông Mã… Tình trạng tiêu cực nói trên ở các xã đã được khắc phục có hiệu quả, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

Chính quyền các cấp cũng thường xuyên bám sát tình hình địa bàn, xây dựng kế hoạch, thành lập các tiểu ban và tổ công tác tuyên truyền về các nhiệm vụ chuyển hóa địa bàn như: Ban phụ trách củng cố hệ thống chính trị và chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; ban phụ trách về công tác phòng chống tội phạm và kiểm soát ma túy; ban phụ trách về công tác giải quyết tranh chấp đất đai... Qua triển khai, tình hình an ninh chính trị trên các địa bàn đã dần có những chuyển biến tích cực. Hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác được kiềm chế. Hệ thống chính trị ở cơ sở xã, bản yếu, kém được kiện toàn. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các mô hình đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở thường xuyên được củng cố và nhân rộng như: Nhóm liên gia tự quản, tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải... Trên cơ sở đó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, tham gia tố giác, phát giác tội phạm. Chỉ tính riêng trong năm 2016 vừa qua, tại các xã này đã có trên 96% số tổ, bản được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự; 05 xã đều đạt tiêu chí số 19 trong bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Là địa phương vừa có 02 xã được đưa ra khỏi diện các khu vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, đồng chí Lê Thị Yến - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: “Với sự chung sức của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, đến nay, tình hình trật tự an toàn xã hội ở các địa bàn đã chuyển hóa luôn được giữ vững ổn định. Các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự đã từng bước được giải quyết, không phát sinh vấn đề phức tạp mới. Tình hình tội phạm giảm rõ rệt, không phát sinh tội phạm nghiêm trọng...”.

Tuy đã có những chuyển biến tích cực, song đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn còn 35 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Qua kiểm tra đánh giá, công tác chuyển hóa khu vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự các địa bàn trên vẫn còn có những tồn tại nhất định như: Số ít cấp ủy chưa thực sự quan tâm đánh giá mức độ chuyển biến về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn các xã; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chưa quan tâm đúng mức việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc để các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh trật tự duy trì hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích đề ra; chưa phát huy tốt vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với việc xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ...

Do vậy, để tiếp tục thực hiện tốt yêu cầu tạo chuyển biến tại các khu vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La cần phát huy rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp; làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên nhân dân tham gia cuộc vận động chuyển hóa địa bàn và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đồng thời, chú trọng phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân. Trên cơ sở đó, từng bước tạo đột phá trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa phương cũng như phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội./.

(dangcongsan.vn)