Ngày Sức khỏe thế giới (7/4/2016): Để bệnh tiểu đường không còn là gánh nặng của nhân loại
03:08 PM 08/04/2016 | Lượt xem: 3315 In bài viết |Ngày Sức khỏe thế giới được kỷ niệm vào 7/4 hàng năm, đánh dấu ngày thành lập của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 1948. Mỗi năm, ngày kỷ niệm này lại hướng tới một chủ đề khác nhau nhằm làm nổi bật một lĩnh vực ưu tiên của y tế cộng đồng. Năm 2016, Ngày Sức khỏe thế giới nhấn mạnh tới việc phòng, chống bệnh tiểu đường.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thành lập vào ngày 7/4/1948. Đây là một trong những cơ quan chuyên môn được thành lập trên tinh thần Hiến chương Liên hợp quốc. Mục đích của WHO nhằm "mang lại cho mọi dân tộc một trình độ y tế ở mức cao". Việc chống lại bệnh tật được hướng trước hết vào các bệnh truyền nhiễm. WHO có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng thuốc men, phát triển cơ sở y tế. Chức năng của tổ chức này đặc biệt mở rộng trong việc phát triển nhân viên y tế và đào tạo cán bộ y tế.
Để đánh dấu ngày thành lập của tổ chức này, Ngày Sức khỏe thế giới đã được kỷ niệm vào 7/4 hàng năm. Đây là dịp để mỗi cá nhân trong cộng đồng có thể tham gia vào các hoạt động giúp cải thiện sức khỏe. Chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới năm nay được lựa chọn là phòng, chống bệnh tiểu đường.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, vào năm 2008, tính toán cho thấy 347 triệu người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới và số người mắc bệnh này không ngừng gia tăng, đặc biệt tại các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Tới năm 2012, tiểu đường đã là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới 1,5 triệu trường hợp tử vong, trong đó hơn 80% xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. WHO dự báo đến năm 2030, tiểu đường sẽ là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ 7 trên thế giới.
Tiểu đường là một bệnh mãn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc cơ quan này không sử dụng insulin mà nó sản xuất ra đúng cách.
Các tế bào sử dụng insulin, một chất nội tiết tố (hormone) do tuyến tụy tiết ra, giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng. Nếu không có đủ insulin, hay insulin không được sử dụng đúng, glucose sẽ tăng lên trong máu và nước tiểu, điều này sẽ gây nên rất nhiều vấn đề về sức khỏe.
Có hai loại chính của bệnh tiểu đường. Những người bị tiểu đường tuýp 1 thường bị thiếu insulin, có nghĩa là cơ thể sản xuất không đủ insulin. Như vậy các loại chất bột, đường (carbohydrates) ăn vào không được chuyển thành năng lượng. Có dưới 10% những người bị tiểu đường là tuýp 1, và phần lớn các trường hợp được chẩn đoán là trẻ em và người trẻ trưởng thành.
Những người bị tiểu đường tuýp 2 bị đề kháng với insulin. Cơ thể có thể sản xuất một ít insulin nhưng nó không thể chuyển hóa được glucose. Khoảng 90% người bị tiểu đường trên thế giới là tuýp 2. Những người bị tiểu đường tuýp 2 thường là những người thừa cân và ít vận động. Mặc dù tiểu đường tuýp 2 trước đây thường xảy ra ở người lớn tuổi song trong những năm gần đây, bệnh thường xảy ra ở những người trẻ hơn và cả trẻ em.
Theo thời gian, một chỉ số đường huyết cao có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống các cơ quan chính của cơ thể, gây ra những cơn đau tim, đột quỵ, tổn thương thần kinh, suy thận, mù lòa, bất lực hoặc nhiễm trùng có thể dẫn đến phải cắt bỏ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tiểu đường đang gia tăng nhanh chóng tại nhiều quốc gia, trong đó tốc độ gia tăng mạnh mẽ nhất được quan sát thấy tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Trong nhiều trường hợp, các ca nhiễm bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể tránh được. Kinh nghiệm của WHO cho thấy nhiều biện pháp đơn giản thay đổi phương thức sống đã có thể rất hiệu quả để dự phòng, ngăn ngừa hay trì hoãn căn bệnh tiểu đường tuýp 2. Việc duy trì cân nặng bình thường, thường xuyên thực hành một bài tập thể lực và một chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tiểu đường có thể được điều trị. Căn bệnh này có thể được kiểm soát và điều trị nhằm ngăn ngừa các biến chứng. Đặc biệt, việc tiếp cận tốt hơn với các biện pháp chẩn đoán, học cách tự chăm sóc và điều trị hợp lý là những yếu tố quyết định trong quá trình ứng phó với căn bệnh này.
Việc phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện một hành động ở quy mô lớn để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thứ 3 – giảm 1/3 gánh nặng tử vong sớm liên quan đến các căn bệnh không lây nhiễm vào năm 2030. Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều lĩnh vực trong xã hội như: các chính phủ, các công ty, các nhà giáo dục, nhà sản xuất, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, phương tiện truyền thông...
Với chủ đề tập trung vào căn bệnh tiểu đường, Ngày Sức khỏe thế giới năm 2016 nhấn mạnh tới mục tiêu mở rộng các biện pháp phòng ngừa, củng cố các dịch vụ chăm sóc và tăng cường giám sát.
Chiến dịch được WHO phát động nhân ngày kỷ niệm năm nay sẽ cho phép: nâng cao nhận thức về diễn biến của bệnh tiểu đường, gánh nặng to lớn của căn bệnh này cùng hậu quả của nó, đặc biệt trong các nước thu nhập thấp và trung bình; khởi động một loạt các hành động cụ thể, hiệu quả, với chi phí phải chăng để giải quyết bệnh tiểu đường, trong đó có các biện pháp để ngăn chặn bệnh tiểu đường, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc cho những người nhiễm bệnh; và công bố báo cáo toàn cầu đầu tiên về bệnh tiểu đường, trong đó nhấn mạnh những tổn thất và hậu quả của căn bệnh này, đồng thời khuyến cáo xây dựng các hệ thống y tế mạnh mẽ hơn để cải tiến công tác giám sát, tăng cường phòng, chống và điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả hơn./.
(Theo: Khánh Linh (Nguồn: dangcongsan.vn))