Nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng dân tộc rất ít người
02:38 AM 03/03/2016 | Lượt xem: 3196 In bài viết |Nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng dân tộc rất ít ngườiNhững năm qua, một số địa phương đã thực hiện khá hiệu quả Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người (DTRIN) theo Quyết định 2123/QĐ-TTg năm 2010, qua đó cơ bản hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Điện Biên là một trong những tỉnh
có hai dân tộc DTRIT là Cống và SiLa, cư trú ở 3 xã vùng sâu, vùng xa của huyện
Điện Biên và Mường Nhé. Vốn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, cả
hai dân tộc có tỷ lệ thất học và đói nghèo thuộc diện cao nhất trong cả nước.
Trong 5 năm thực hiện Đề án nêu trên, công tác tuyển sinh học sinh DTRIT ra lớp
và duy trì sĩ số học sinh của các trường có học sinh DTRIT đã đạt những kết quả
tích cực.
Ông Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chung Chải, huyện Mường Nhé,
Điện Biên, một trong những trường được hỗ trợ từ Đề án phát triển giáo dục đối
với DTRIT cho biết: “Trường tiểu học Chung Chải hiện có 29 học sinh là người dân
tộc SiLa. Trước đây, do lớp học tạm bợ, trang thiết bị phục vụ việc học tập
thiếu thốn nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, sinh hoạt của thầy và trò.
Nhưng sau khi có đề án phát triển giáo dục, nhà trường đã được hỗ trợ xây dựng 5
lớp học, 3 phòng công vụ, bếp ăn, nhà vệ sinh... Thông qua Đề án, mỗi học sinh
thuộc diện hộ nghèo còn được hỗ trợ 40% mức lương cơ bản, tương đương 460.000
đồng/tháng”, tác động tích cực tới việc vận động học sinh DTRIN đến lớp. Theo
thầy Khiêm, cho đến nay, 100% học sinh DTRIN của Trường tiểu học Chung Chải đến
lớp đầy đủ và không còn diễn ra tình trạng học sinh DTRIN bỏ học...
Theo Quyết định 2123, có 9 DTRIN có dân số dưới 5.000 người được hưởng chính
sách là các dân tộc Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao,
thuộc 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum. Sau 5 năm
triển khai, Đề án Phát triển giáo dục DTRIT đã đạt được các kết quả vững chắc.
Tính đến hết tháng 10/2015, các địa phương đã xây dựng được 96 phòng học, 86
phòng công vụ giáo viên và đầu tư đồ dùng thiết bị dạy học cho các điểm trường
tiểu học có học sinh dân tộc rất ít người.
Trẻ mầm non được học ngay tại thôn, buôn. Các em học tiểu học được học ở các
điểm trường bán trú. Các em học THCS và THPT được ưu tiên vào học các trường nội
trú. Trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án, có trên 13.600 lượt trẻ em, học
sinh, sinh viên DTRIN được hưởng chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí hỗ trợ trên
110 tỉ đồng. Bên cạnh đó, học sinh các DTRIN được học trong các trường PTDTNT,
PTDTBT được học 2 buổi/ngày. Các nội dung giáo dục đặc thù về văn hóa dân tộc,
giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và hoạt động ngoài giờ lên lớp được tăng
cường. Việc dạy Tiếng Việt cho học sinh DTRIN đã được chú trọng, chất lượng giáo
dục toàn diện cho học sinh DTRIN đã được nâng lên. Tỉ lệ học sinh DTRIN đạt khá,
giỏi tăng...
Tuy nhiên, những khó khăn trong công tác giáo dục DTRIN vẫn còn rất lớn do điều
kiện kinh tế xã hội của các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người
sinh sống còn hạn chế. Công cuộc xóa đói giảm nghèo vẫn chưa bền vững, nguồn lực
đầu tư còn nhỏ so với nhu cầu. Để duy trì hiệu quả giáo dục vùng dân tộc rất ít
người, cần tiếp tục kéo dài các cơ chế, chính sách để học sinh các dân tộc rất
ít người được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục đảm bảo chất lượng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2014 - 2015, tỉ lệ huy động trẻ mầm
non 5 tuổi, thuộc các dân tộc rất ít người đến trường đạt 100%, cấp tiểu học đạt
99,7% và cấp THCS đạt trên 98%.
(Theo: Quỳnh Như (Nguồn: baotintuc.vn))