Một số định hướng lớn về công tác dân tộc trong thời gian tới
01:58 PM 22/04/2016 | Lượt xem: 11158 In bài viết |Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc; trong thời gian qua, Ngành quản lý nhà nước về công tác dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, tập trung nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho các xã, thôn, bản ĐBKK xây dựng và hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống văn hóa xã hội đồng bào DTTS, miền núi. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh được cải thiện đáng kể; mức sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng được giữ vững. Đồng bào vùng dân tộc, miền núi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc đã đạt được một số kết quả quan trọng. Công tác quy hoạch, kế hoạch, phân vùng phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường và đổi mới; năng lực quản lý của cơ quan làm công tác dân tộc được nâng lên rõ rệt, tổ chức bộ mày của cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương từng bước được kiện toàn, củng cố; công tác đào tạo đội ngũ làm công tác dân tộc được quan tâm hơn trước. Sự phối hợp giữa cơ quan làm công tác dân tộc với Bộ, Ban, ngành Trung ương và các địa phương ngày càng chặt chẽ.
Những thành tích của Cơ quan công tác dân tộc đã đạt được đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển toàn diện kinh yế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, kiện toàn hệ thống Cơ quan công tác dân tộc các cấp; đảm bảo an ninh quốc phòng; trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc, miền núi; tăng cường khối Đại Đoàn kết dân tộc; đưa chủ trương, chính sáh của Đảng và Nhà nước vào hiện thực cuộc sống của đồng bào các dân tộc.
Trong thời gian tới, Ngành quản lý nhà nước về công tác dân tộc tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/5/2013 của BTV Tỉnh ủy về “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; điều chỉnh, bổ sung một số nội dung nhiệm vụ và giải pháp trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ủy ban nhân dân tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 1988/QĐ-UBND ngày 07/8/2013) cho giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở kết luận số 01-KL/TU ngày 02/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị đánh giá 02 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU và kết quả qua hơn 02 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ủy ban nhân dân Tỉnh. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của 113 xã vùng dân tộc, miền núi trung bình 1%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo của 22 xã đặc biệt khó khăn 5%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2015; xóa nhà ở tạm, nhà dột nát.. Đến hết năm 2020, 100% số xã đặc biệt khó khăn, 100% số thôn đặc biệt khó khăn (ngoài các xã đặc biệt khó khăn) hoàn thành mục tiêu chương trình 135 và 73% số xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số xã vùng dân tộc, miền núi đạt tiêu chí xã nông thôn mới, các xã còn lại trong vùng có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới. Duy trì 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; trên 50% lao động ở vùng dân tộc, miền núi được đào tạo; 98% người dân ở vùng dân tộc, miền núi được sử dụng nước hợp vệ sinh và tối thiểu 80% số gia đình, 65% số thôn bản vùng dân tộc miền núi đạt chuẩn văn hóa.
Để thực hiện các mục tiêu trên, trong thời gian tới Ngành quản lý nhà nước về công tác dân tộc của Tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh một số nội dung sau:
1. Huy động các nguồn lực để đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn
Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; bố trí nguồn lực để thực hiện đầy đủ các chính sách đã ban hành. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy ngay hiệu quả. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đảm bảo và kịp thời để thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí có tính thiết thực để đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Tăng vốn Chương trình 135, vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai thực hiện tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; ưu tiên bố trí vốn trái phiếu Chính phủ và vốn các chương trình mục tiêu cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Tiếp tục xây dựng hạ tầng thuận lợi, tổ chức các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mở rộng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); thu hút đầu tư từ nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ hợp pháp trong và ngoài nước và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hỗ trợ các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh và chính sách đặc thù hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của tỉnh vay vốn phát triển sản xuất.
2. Xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi
Tăng cường công tác tham mưu, đề xuất các đề án, cơ chế chính sách dân tộc đặc thù của tỉnh theo hướng tăng mức hỗ trợ, đầu tư, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách dân tộc.Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển các ngành kinh tế có lợi thế ở từng địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại vùng dân tộc và miền núi. Hoàn thiện cơ chế và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; các mô hình sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản mang tính tập trung, quy mô lớn; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.Tăng cường ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Triển khai các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.
Tiếp tục bổ sung, thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích phát triển thương mại, dịch vụ ở các xã vùng khó khăn. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở thương mại, dịch vụ hệ thống chợ và hợp tác xã mua bán ở các xã vùng khó khăn; tạo lập mối liên kết giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối và người tiêu dùng tạo kênh lưu thông hàng hóa. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, gắn với dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế” của cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Quy hoạch phát triển ngành công tác dân tộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc các cấp và nâng cao năng lực cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; tăng cường cán bộ, lực lượng vũ trang xuống cơ sở trọng điểm về quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.
Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và các cấp học khác để tạo nguồn cán bộ gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương, chú trọng các vị trí cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.Tham mưu việc luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ có chuyên môn về nông, lâm, thủy sản đến các xã miền núi, biên giới, biển đảo; luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý ở các xã miền núi, biên giới. Xây dựng các cơ chế đặc thù luân chuyển cán bộ, viên chức người dân tộc thiểu số ở các sở, ban, ngành về địa phương;
4. Phát triển y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, bố trí việc làm cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi
Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo ngành y tế thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân vùng dân tộc và miền núi; đảm bảo cho mọi người được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Đẩy mạnh công tác khám, chữa bệnh lưu động; để cho người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức vệ sinh phòng chống dịch bệnh đến hộ gia đình và cộng đồng. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo tại các cơ sở y tế. Xây dựng và duy trì mô hình quân - dân y kết hợp ở vùng dân tộc, miền núi.
Chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xây dựng, phát triển và mở rộng quy mô các loại hình trường lớp theo tiêu chuẩn của trường học chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; ban hành chính sách riêng đối với học sinh nội trú tại các trường phổ thông vùng dân tộc, miền núi. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển dành cho con em các dân tộc thiểu số. Xây dựng và thực hiện chính sách đặc thù nhằm sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã qua đào tạo.
Chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai xây dựng kế hoạch đào tạo, dạy nghề cho lao động người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2020. Đẩy mạnh liên kết đào tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc miền núi, gắn với Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”. Xây dựng chính sách hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số học nghề.
5. Bảo tồn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc
Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo Ngành Văn hóa -Thể thao tăng cường đầu tư phát triển văn hóa, thể thao và du lịch ở vùng dân tộc, miền núi; khuyến khích phát triển các môn thể thao dân tộc. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cộng đồng. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu các lễ hội truyền thống, văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Phát huy những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng dân tộc, miền núi. Phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; phát triển, khai thác du lịch vùng dân tộc, miền núi và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng “nông thôn mới, đô thị văn minh“.
6. Củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo
Tiếp tục thực hiện công tác bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ và nhân dân vùng dân tộc, miền núi. Xây dựng và thực hiện chiến lược phòng thủ khu vực, nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh và trật tự xã hội tại vùng dân tộc miền núi. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện dân quân tự vệ sát với đặc điểm từng địa bàn, phù hợp với trình độ, nhận thức người dân vùng dân tộc, miền núi. Tổ chức biên chế, trang bị hiện có theo hướng phân cấp, có sự giúp đỡ của cơ quan quân sự cấp trên; tăng cường huấn luyện thực hành. Xây dựng, phát triển các khu kinh tế kết hợp quốc phòng, an ninh.Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cụm dân cư theo mô hình cụm dân cư kinh tế quốc phòng khu vực vành đai biên giới. Làm tốt công tác quản lý lao động qua biên giới./.
(Theo: Lê Thị Kim (Nguồn: quangninh.gov.vn))