Một số vấn đề cần lưu ý trong điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số

02:50 PM 03/10/2015 |   Lượt xem: 5492 |   In bài viết | 

Ngày 05 tháng 01 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS), giao Tổng cục Thống kê là đơn vị chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện.

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số 2015 là cuộc điều tra đột xuất, không nằm trong Chương trình điều tra Thống kê quốc gia hằng năm. Cuộc điều tra được tiến hành nhằm hình thành hệ thống thông tin, số liệu phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Do có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn nên cuộc Điều tra đã nhận được sự quan tâm rất sát sao từ Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cũng như Lãnh đạo Tổng cục Thống kê, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc. Mặc dù thời gian chuẩn bị cho cuộc Điều tra là tương đối ngắn, song với tinh thần làm việc khẩn trương và nỗ lực cao nhất, đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất và sẵn sàng điều tra thu thập thông tin tại địa bàn sẽ diễn ra vào 0 giờ ngày 01 tháng 8 năm 2015.

Đây là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tiến hành cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội của các DTTS nên trong công tác triển khai cần lưu ý một số điều sau:

Thứ nhất, do Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2015 là cuộc điều tra lớn và đột xuất, trong khi Tổng cục Thống kê vẫn phải đảm bảo việc thực hiện các công việc và các cuộc điều tra thường xuyên, nên đòi hỏi phải có sự phối, kết hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan Thống kê và cơ quan Dân tộc ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, do địa bàn rộng và khối lượng điều tra tương đối lớn nên để thực hiện cuộc điều tra cần phải huy động một lượng lớn người tham gia với khoảng gần 23.000 người làm công tác lập bảng kê, gần 9.000 điều tra viên, tổ trưởng, gần 2000 giám sát viên các cấp là cán bộ của ngành Thống kê và các cơ quan Dân tộc. Điều này sẽ tăng tính phức tạp của công tác tổ chức, từ tuyển chọn và tập huấn người lập bảng kê, điều tra viên, tổ trưởng, công tác hậu cần, tổ chức điều tra thực địa và hoạt động kiểm tra, giám sát, ...

Thứ ba, do đây là cuộc điều tra có nội dung phức tạp, có những câu hỏi nhạy cảm, thời gian thu thập thông tin kéo dài, lại sử dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông minh trong xử lý thông tin nên trong tuyển chọn và tập huấn điều tra viên, tổ trưởng cần lưu ý một số điểm sau: Điều tra viên cần được chọn từ những người có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên (những nơi khó khăn, có thể lấy người có trình độ trung học cơ sở), hiểu biết về địa phương có địa bàn điều tra và ưu tiên chọn nữ. Nên sử dụng những người đã tham gia các cuộc điều tra thống kê gần đây, đặc biệt là các cuộc điều tra liên quan đến lĩnh vực dân số, lao động, xã hội; Trong số điều tra viên được chọn thì lựa chọn người có tinh thần trách nhiệm cao hơn, có khả năng tổ chức công việc, có kiến thức tốt hơn và được tập huấn nghiệp vụ chu đáo làm nhiệm vụ tổ trưởng.

Thứ tư, công tác lập bảng kê được tiến hành trên một khối lượng địa bàn rất lớn (30.603 địa bàn) trong khi việc thiết kế mẫu bảng kê của cuộc điều tra này yêu cầu thu thập thông tin chi tiết cho từng dân tộc của các thành viên trong hộ. Vì vậy công tác tuyển chọn người lập bảng kê phải đặc biệt coi trọng. Cần đảm bảo tuyển chọn được những người có đủ trình độ, am hiểu địa bàn và có thể nói được tiếng của dân tộc trên địa bàn được giao.

Địa bàn điều tra được xác định trên cơ sở ranh giới địa bàn của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Tuy nhiên, do hầu hết địa bàn điều tra thuộc vùng núi cao, địa hình trải rộng, dân cư phân bố thưa thớt nên không thể tiến hành công tác vẽ sơ đồ, vì vậy người lập bảng kê phải xác định rõ ranh giới địa bàn điều tra để xác định phạm vi lập bảng kê của mình; Khi lập bảng kê phải đến từng hộ để xác định chính xác loại dân tộc của hộ cũng như số lượng người theo từng dân tộc trong hộ.

Thứ năm, do nhu cầu thu thập thông tin nên phiếu hỏi được thiết kế gồm nhiều phần, mục để thu thập nhiều loại thông tin khác nhau (thông tin về dân số, lịch sử sinh của phụ nữ, thông tin về lao động việc làm, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của hộ). Vì vậy, Điều tra viên phải xác định rõ các thông tin để hỏi cho từng đối tượng điều tra khác nhau.

Một điểm khác biệt lớn trong cuộc điều tra này là thông tin về tình trạng hôn nhân, lịch sử sinh của phụ nữ, lao động việc làm được hỏi cho những người từ 12 tuổi, thay cho mức 15 tuổi ở các cuộc điều tra khác (Ví dụ: thông tin về tình trạng hôn nhân và việc làm hỏi cho những người từ 12 tuổi trở lên, thông tin về lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai hỏi cho phụ nữ từ 12 – 49 tuổi), đây là một điểm điều tra viên cần đặc biệt lưu ý để tránh bỏ sót đối tượng điều tra. Với đặc thù đối tượng điều tra là người DTTS nên tại nhiều địa bàn đối tượng điều tra không nói được tiếng phổ thông, việc thuê phiên dịch cũng phải đảm bảo lựa chọn được những người thông thạo tiếng phổ thông và tiếng địa phương nhưng cũng phải nắm chắc kiến thức về điều tra thống kê để đảm bảo những nội dung trong phiếu điều tra thu thập được chính xác.

Thứ sáu, về công tác tuyên truyền cần được đặc biệt lưu ý, theo đó, các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền của cơ quan Tổng cục và các Cục Thống kê cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Cục Thống kê cấp tỉnh cần tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp trong hoạt động tuyên truyền, trong đó cần chú ý sự vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng và duy trì hình thức sử dụng đĩa CD phát thanh trên hệ thống truyền thanh của xã, phường và thôn,

Thứ bảy, công tác kiểm tra, giám sát cần được tập trung đẩy mạnh. Các đơn vị phải xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, đặc biệt là phải có sự phối kết hợp chặt chẽ trong quá trình giám sát giữa các đơn vị của Tổng cục Thống kê và các đơn vị của Ủy ban Dân tộc ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Thứ tám, về nghiệm thu, bàn giao phiếu và tài liệu điều tra, do cuộc điều tra áp thu thập thông tin trên 03 loại phiếu điều tra: Phiếu 01-HO/ĐTDT-2015 áp dụng đối với hộ DTTS được chọn từ danh sách hộ DTTS của những địa bàn mẫu nhằm thu thập các thông tin về nhân khẩu học, điều kiện nhà ở và điều kiện kinh tế - xã hội của dân cư (sau đây viết là Phiếu hộ); Phiếu 02-HO/ĐTDT-2015 áp dụng đối với các hộ DTTS được chọn ra từ những hộ đã điều tra Phiếu hộ nhằm thu thập các thông tin về thu nhập của hộ (sau đây viết là Phiếu thu nhập của hộ); Phiếu 03-XA/ĐTDT-2015 áp dụng đối với Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc Khu vực I, II và III theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc và các xã, phường, thị trấn không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng DTTS (sau đây viết là Phiếu xã). Vì vậy, đối với từng loại phiếu điều tra cần phải lưu ý trong quá trình bảo quản. Phiếu xã, sau khi thu thập thông tin sẽ được nhập tin tại Cục Thống kê tỉnh/thành phố. Phiếu hộ sử dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông minh nên cần bảo quản tốt phiếu điều tra trong quá trình vận chuyển, phân phối từ các nhà in đến điều tra viên và thu, nộp bàn giao phiếu về đến các trung tâm tin học thống kê khu vực. Phiếu thu nhập, được gửi về các Trung tâm tin học thống kê cùng với phiếu hộ theo quy định tại Phương án điều tra và được nhập tin tại các Trung tâm tin học. Ngoài ra, các Cục Thống kê các tỉnh, thành thành phố cần lưu ý công tác bảo quản và thời hạn gửi phiếu, nhập tin phiếu để đảm bảo tiến độ chung của cuộc điều tra.

Thứ chín, về kinh phi điều tra, trên cơ sở hướng dẫn của Tổng cục và mức kinh phí được cấp, Cục trưởng Cục Thống kê các tỉnh, thành phố căn cứ vào đặc điểm của từng vùng, miền của địa phương mình để xác định định mức chi tiêu đối với những nội dung do Tổng cục giao quy định, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, định mức, hiệu quả và tiết kiệm.

Nguyễn Thị Xuân Mai (UBDT)