Huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi
10:25 AM 12/10/2022 | Lượt xem: 5373 In bài viết |Chiều 11/10, tiếp tục chương trình Phiên họp 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình).
Báo cáo về kết quả xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phục vụ triển khai thực hiện Chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, có nội dung cơ bản được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016 - 2020 kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần do 23 bộ, ngành tham gia quản lý và tổ chức triển khai thực hiện.
Tính đến hết tháng 8 năm 2022 (thời điểm báo cáo), 231 văn bản khác nhau đã được ban hành để quy định, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung về cơ chế, chính sách và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chỉ rõ, là một chương trình mục tiêu quốc gia mới, mang quan điểm đầu tư tổng thể nên Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi rất đa dạng về nội dung chính sách, hình thức triển khai, trong khi quy mô đầu tư cho từng chính sách nhỏ với nhiều định mức quy định khác nhau… Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã đề xuất một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ cuối năm 2022 và năm 2023 như đôn đốc một số bộ, cơ quan Trung ương khẩn trương hoàn thành ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; chỉ đạo ưu tiên tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp; hướng dẫn triển khai các hoạt động đầu tư đảm bảo kịp thời, đúng kế hoạch…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.
Thẩm tra cáo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đến nay, sau gần một năm việc xây dựng, ban hành văn bản quy định về cơ chế, chính sách vận hành Chương trình đã cơ bản được hoàn thành. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện rất chậm.
Đến nay, Trung ương đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành Quy chế hoạt động, chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương; thành lập tổ công tác, Văn phòng điều phối... 50/50 địa phương đã triển khai thực hiện Chương trình đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 ở cấp tỉnh. Hiện nay, 30 địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện để tổ chức thực hiện Chương trình. Qua đó, cho thấy, một số bộ, ngành Trung ương đôi lúc thiếu sự quyết liệt, kịp thời, một số địa phương thiếu chủ động, chưa chấp hành nghiêm hướng dẫn của Trung ương. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ cần đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân, đồng thời xác định vai trò, trách nhiệm trong việc chậm trễ triển khai thực hiện Chương trình.
Giải trình thêm một số nội dung tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, nguyên nhân là do thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn; việc phân cấp rất mạnh cho các địa phương; sự phối hợp chưa đồng đều… Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban Dân tộc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để kịp thời sửa đổi và có các giải pháp cụ thể để giải ngân hết các nguồn vốn này. Liên quan đến công tác phân bổ nguồn vốn, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc để phân bổ nốt số vốn còn lại.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng cơ chế chính sách, thông tư kinh phí sự nghiệp từ tháng 3/2022; đồng thời phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ kinh phí của năm 2022 là 5.429 tỷ đồng. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các cơ quan của Chính phủ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội kiểm tra, giám sát, nếu cơ chế, chính sách đã ban hành gặp vướng mắc trong tổ chức thực hiện sẽ nghiên cứu để sửa đổi kịp thời.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc triển khai Chương trình đang chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đến nay, văn bản hướng dẫn mới cơ bản hoàn thành, tuy nhiên còn một số văn bản của tiểu dự án vẫn chưa được ban hành. Việc phân bổ vốn đầu tư tính đến tháng 6/2022 Chính phủ mới trình Quốc hội nhưng vẫn chưa phân bổ hết; chưa bố trí đủ vốn đối ứng, nhiều tỉnh chưa thành lập ban chỉ đạo, tiến độ giải ngân vốn cho chương trình đến thời điểm này mới đạt hơn 7%.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Chính phủ thành lập Ban điều phối Trung ương là phù hợp nhưng cũng cần rà soát kỹ, tổ chức Hội nghị toàn quốc để đôn đốc triển khai; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Chương trình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đây là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc bởi đây là sự nghiệp lâu dài. Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ, tăng cường cơ chế điều phối; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vào cuộc, đẩy mạnh truyền thông tạo ra phong trào xã hội, phong trào thi đua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua kinh nghiệm thực tiễn của hai chương trình mục tiêu đang triển khai, nguồn lực nhà nước cũng có hạn, cần huy động từ xã hội, người dân, các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp… Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hỗ trợ Chính phủ và các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện.
(baotintuc.vn)