Hội nghị Tổng kết Ban Chỉ đạo Dự án Hỗ trợ giảm nghèo PRPP
09:43 PM 22/11/2016 | Lượt xem: 4781 In bài viết |
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; Chủ tịch Hội dạy nghề và nghề công tác xã hội Nguyễn Thị Hằng; Giám đốc UNDP Louise Chamberlain; Phó Đại sứ quán Ai Len Nuala O’Brien; đại diện Văn phòng Chính phủ; các bộ: Y tế, Tư pháp, GD&ĐT, Tài chính, KH&ĐT, Ngoại giao; cùng đại biểu đại diện 8 tỉnh thực hiện Dự án: Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum và Trà Vinh.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Sơn Nam)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Sơn Nam).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến trao đổi bên lề về kết quả dự án PRPP (Ảnh: Sơn Nam).
Dự án “Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ - CP về định hướng giảm nghèo bền vững (2011 - 2020) và Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững (2012 - 2015)” (gọi tắt là PRPP) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Ai Len (IA) hỗ trợ Bộ LĐTB&XH – với vai trò là cơ quan chủ quản dự án (NIP) và 09 cơ quan phối hợp thực hiện dự án (CIPs), gồm UBDT và 08 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum và Trà Vinh.
Những đóng góp của PRPP cho mục tiêu giảm nghèo nhanh ở những vùng DTTS, miền núi, ven biển có tỷ lệ nghèo cao nhất được thể hiện qua kết quả đầu ra: Các chính sách giảm nghèo theo trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan được sắp xếp hợp lý và lồng ghép vào kế hoạch và khung chính sách thường xuyên của các Bộ, ngành: Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 (CTMTQGGNBV) được thiết kế và thực hiện hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện, xã, thôn, bản nghèo nhất và các nhóm DTTS thông qua áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo: Hệ thống theo dõi và phân tích nghèo đa chiều, dễ bị tổn thương và các cuộc thảo luận chính sách ở cấp cao về giảm nghèo và dễ bị tổn thương góp phần cải thiện các mục tiêu phát triển theo hướng bao trùm, giảm bất bình đẳng và vì người nghèo.
Tại 08 tỉnh, PRPP đã tập trung hỗ trợ thực hiện CTMTQGGNBV giai đoạn 2012 - 2015, thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, thôn bản; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người nghèo; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình sáng tạo, mô hình trọn gói trong giảm nghèo, phát huy vai trò cộng đồng, tự lực, tự cường của người dân khi triển khai các hoạt động giảm nghèo trong CTMTQGGNBV cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương; xây dựng và lồng ghép kế hoạch giảm nghèo vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Trên cơ sở đó tổng hợp các cách làm hay, đúc rút thành các bài học kinh nghiệm để thể chế hóa, nhân rộng áp dụng trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước và đặc biệt cung cấp các minh chứng thực tế cho các cơ quan trung ương nghiên cứu, ban hành chính sách và xây dựng, thực hiện hiệu quả CTMTQGGNBV.
Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia, UNDP Việt Nam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Sơn Nam).
Tại Hội nghị, bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia, UNDP Việt Nam cho biết: Thông qua việc thực hiện dự án hỗ trợ giảm nghèo sẽ đẩy mạnh vai trò của chính quyền, nâng cao năng lực cho người dân, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Bà mong muốn, trong giai đoạn tới dự án sẽ tập trung vào các vấn đề quan trọng như: Sử dụng hệ thống đánh giá để xác định đối tượng tốt hơn nữa; đẩy mạnh các mô hình sáng tạo; huy động nguồn lực, trong đó tập trung chủ yếu vào nguồn lực trong nước. Bà Louise Chamberlain khẳng định, UNDP cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đối với một số nội dung như: Hỗ trợ kỹ thuật; đẩy mạnh hơn nữa việc tạo mối quan hệ đối tác; tạo các tổ chức cộng đồng, hỗ trợ huy động nguồn lực của địa phương để đảm bảo giảm nghèo bền vững hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: UBDT là cơ quan đầu mối, tham mưu cho Chính phủ trong công tác dân tộc, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Thời gian qua, UBDT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTB&XH và 08 tỉnh nỗ lực tham gia thực hiện dự án đạt được nhiều kết quả. Các kết quả đó đã đóng góp quan trọng cho việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 và CTMTQGGNBV giai đoạn 2012-2016.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, UBDT là một trong các cơ quan đồng thực hiện dự án PRPP, đồng thời cũng là cơ quan thụ hưởng, tiếp nhận các kết quả hỗ trợ kỹ thuật từ dự án này. Trong thời gian qua, Tiểu dự án PRPP đã hỗ trợ cho UBDT các thông tin về cơ sở thực tiễn, luận cứ khoa học xác thực, để tham mưu Chính phủ ban hành những chính sách quan trọng, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn vùng DTTS&MN, trong đó có các chính sách nền tảng như: Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến 2020; Đề án Phát triển nguồn nhân lực DTTS đến 2020, định hướng 2030 và Quyết định 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.
Bộ trưởng cho biết thêm, với sự hỗ trợ của dự án PRPP, UBDT đã và đang từng bước áp dụng phương pháp tiếp cận nhân học, lấy người nghèo DTTS làm trung tâm trong việc thiết kế, xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc; áp dụng tiếp cận nhân học thông qua Bộ tài liệu đào tạo nhân học, Bộ công cụ đánh giá chính sách phát triển KT- XH đối với DTTS, góp phần tăng cường năng lực và phương pháp làm việc hiệu quả, khoa học, không chỉ đối với các cán bộ UBDT mà còn với các cán bộ làm công tác dân tộc ở các Bộ, ngành liên quan và các địa phương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến mong muốn,trong thời gian tới UBDT tiếp tục nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ UNDP, Irish Aid và các đối tác để hoàn thành tốt các mục tiêu dự án còn phù hợp và tiếp tục thực hiện các mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật cho lĩnh vực công tác dân tộc trong bối cảnh mới.
Bà Nuala O’Brien, Phó Đại sứ, Trưởng Ban Phát triển, Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Sơn Nam).
Để dự án đạt hiệu quả hơn nữa, bà Nuala O’Brien Bà Nuala O’Brien, Phó Đại sứ, Trưởng Ban Phát triển, Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam nhấn mạnh tới các nội dung cần nỗ lực thực hiện trong thời gian tới: Tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến phối kết hợp, điều phối của các bên có liên quan; thực hiện hỗ trợ từ cấp trung ương đến địa phương để có thể lắng nghe tiếng nói của người nghèo, giải quyết các vấn đề của họ trên cơ sở tham gia giám sát, đánh giá… đó chính là nền tảng để có thể đảm bảo phát triển các chương trình giảm nghèo bền vững; tiếp cận trực tiếp từ cộng đồng; nâng cao hơn nữa kỹ năng nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia chương trình và những người thiết kế chương trình về giảm nghèo; thực hiện bình đẳng giới, quyền lợi của phụ nữ trong việc tham gia thực hiện chính sách; phát triển các lĩnh vực liên quan đến vấn đề môi trường.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tổng kết Hội nghị (Ảnh: Sơn Nam).
Phát biểu tổng kết Hội nghị: Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH - Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả, thành công của dự án đã triển khai tại 8 tỉnh .Theo báo cáo của Ban chỉ đạo dự án cũng như báo cáo đánh giá độc lập, ý kiến của các địa phương, đặc biệt là những người được thụ hưởng từ dự án trong 5 năm qua là những minh chứng rõ nhất của dự án. Những thành tựu đã đạt được từ dự án đã tạo nên một bước tiến mới, tiếp cận mới và yêu cầu cao hơn về nâng cao dân trí, đời sống, đặc biệt là vùng nông thôn và miền núi.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo dự án cũng như báo cáo đánh giá độc lập, ý kiến của địa phương, đặc biệt là người thụ hưởng đã nêu được những kết quả là những minh chứng rõ nhất của dự án.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, thông qua đánh giá các tiêu chí Chính phủ ban hành và cách tiếp cận tiêu chí mới thì hộ nghèo vẫn còn 9,88%, hộ cận nghèo 5,22%, 64 huyện nghèo còn trên 50%, có những huyện còn trên 70%. Cuộc chiến chống đói nghèo còn gian nan và ngày càng khó khăn hơn, lõi nghèo của Việt Nam vẫn là đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa. Do đó, trong 2 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình mục tiêu, tất cả đều xoay quanh khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, hướng mạnh nhất vào đồng bào dân tộc miền núi.
Bộ trưởng hy vọng, kinh nghiệm được đúc rút từ chương trình sẽ được nhân rộng trong quá trình thực thi Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững để tạo thành công hơn nữa. Đồng thời mong muốn rằng, trong thời gian tới, UNDP và Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam tiếp tục quan tâm, nghiên cứu phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia giảm nghèo cùng tiếp tục thực hiện dự án này.
Huyền Trang - Sơn Nam