Hội thảo đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020

05:22 PM 03/10/2015 |   Lượt xem: 6505 |   In bài viết | 

Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư cùng Lãnh đạo, chuyên viên một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7146/VPCP-V.III về việc rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở rà soát, đánh giá chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2015, UBDT đã xây dựng hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020. Hội thảo được tổ chức nhằm xin ý kiến góp ý và đồng thuận từ các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống chính sách trước khi gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Nhuận, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính đã trình bày Báo cáo đề xuất chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, UBDT sẽ triển khai thực hiện các chương trình, chính sách gồm: Các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao; Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; Chính sách sắp xếp, ổn định dân cư cho người di cư tự do từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trở về nước; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2020; Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020… Để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề xuất, dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện các chương trình, chính sách là 49.457 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển là 34.116 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 9.045 tỷ đồng và vốn vay là 3.931 tỷ đồng.

Toàn cảnh Hội thảo

Ngọc Ánh