Hội thảo đánh giá Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 các tỉnh khu vực phía Nam

10:12 AM 29/11/2019 |   Lượt xem: 3568 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông phát biểu tại Hội thảo.

Khu vực Nam bộ có 15 tỉnh, thành có đông đồng bào DTTS sinh sống; trong đó có 152 xã và 486 thôn đặc biệt khó khăn, thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, trong thời gian qua, tổng số vốn đầu tư thực hiện chương trình tại khu vực là 1,139,175 tỷ đồng, nhờ đó, hạ tầng đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu phát triển của người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 4%/năm có nơi 5%; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 - 3 lần so với đầu giai đoạn…

Tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông nhấn mạnh, Nam bộ vốn là vùng đất trù phú, nhưng ở những khu vực đặc biệt khó khăn lại đang đối mặt với rất nhiều khó khăn hết sức đặc thù, đó là sự nghèo khó do hoạt động sinh kế bị đình trệ từ tác động thiên tai, ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và khắc nghiệt, vùng đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn ngày càng nhiều. Do đó, Chương trình 135 có vai trò quan trọng tham gia vào công cuộc giảm nghèo bền vững cho những vùng khó này.

Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã khẳng định vai trò quan trọng Chương trình 135 đối với công tác giảm nghèo và chính sách dân tộc của mỗi địa phương. Các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn thách thức diễn ra trên địa bàn; những tồn tại trong quá trình triển khai Chương trình 135 giai đoạn qua.

Quang cảnh Hội thảo.

Cụ thể như tình hình biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn ngày càng nhiễm sâu, đặc biệt là các xã bãi ngang, tình hình sản xuất càng khó khăn. Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ về thiên tai, dịch bệnh luôn chậm và hạn chế nên khi tiến hành hỗ trợ thường khó chọn lựa đối tượng...

Theo đó, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục hỗ trợ và nâng nguồn kinh phí triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho địa phương. Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2021- 2025 cùng mục tiêu có nhiều chính sách hỗ trợ nên đề nghị Chính phủ xem xét thống nhất mục tiêu hỗ trợ trong cùng chính sách, không chia nhỏ lẻ sẽ thuận lợi cho việc triển khai và theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện...; việc quy định xét chọn đối tượng thụ hưởng, cũng như bình xét xã khó khăn dựa trên tỷ lệ phần trăm đồng bào sinh sống trên địa bàn, sống ở miền núi là chưa hợp lý. Bởi lẽ đối với vùng biển, vùng có sông ngòi chằng chịt, đặc biệt là đồng bào DTTS Nam bộ thường sống đan xen cùng dân tộc Kinh, do đó, cần có một chính sách chung cho vùng đồng bào DTTS khu vực Nam bộ, có như vậy, tất cả đồng bào mới thụ hưởng được chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Lắng nghe tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến phát biểu của đại biểu, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông khẳng định, những nội dung các đại biểu nêu ra, Lãnh đạo UBDT và các đơn vị chức năng tham mưu thực hiện của UBDT sẽ nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện để đảm bảo triển khai hiệu quả Chương trình 135 trong giai đoạn tiếp theo.

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông cho biết, Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Quốc hội thông qua, ngày 26/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Từ sự quan tâm này, chúng ta và đồng bào DTTS có quyền kỳ vọng vào công tác giảm nghèo, cũng như công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc gặp nhiều thuận lợi trong thời gian tới…

Hạnh Nguyên (baodantoc.com.vn)