Hội thảo đánh giá chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030

02:35 PM 18/06/2019 |   Lượt xem: 4117 |   In bài viết | 

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã trình bày tóm tắt Dự thảo báo cáo “Đánh giá chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030”. Dự thảo báo cáo đã đánh giá những điểm cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; đánh giá một cách toàn diện những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2020.

Dự thảo báo cáo cũng đã đưa ra bối cảnh thuận lợi cũng như thách thức trong nước và quốc tế, những vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở đánh giá sát tình hình, Dự thảo báo cáo đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030.

Quan điểm đưa ra trong Dự thảo là tiếp tục đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi, gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc. Mục tiêu đặt ra là ban hành đồng bộ các chính sách phát triển KT-XH, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách để phát triển toàn diện và bền vững vùng DTTS và miền núi; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu là những nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện chính quyền địa phương đã góp ý vào Dự thảo báo cáo, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo, nhiều ý kiến cho rằng, việc đề xuất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành một Nghị quyết mới (thay Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003) về lĩnh vực công tác dân tộc là hết sức cần thiết. Nhưng để có thể đưa nội dung này vào trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII thì nhất thiết phải tiến hành tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW trong quý III/2019.

Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, trong giai đoạn mới cần có bước đột phá về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc; đặc biệt là trong tư duy xây dựng, thực thi chính sách. Theo đó, chính sách dân tộc phải xây dựng dưới dạng các Chương trình mục tiêu. Các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp vùng DTTS và miền núi phải đưa công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, từ đó có tiêu chí để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.

Ý kiến các đại biểu cũng chú trọng đến vấn đề bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc. Bởi những năm qua, nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi thường không đủ, không kịp thời. Giai đoạn mới, các chính sách của Trung ương chỉ mang tính chất chính sách khung, là cơ sở để trao quyền chủ động thực hiện chính sách dân tộc cho địa phương…

Bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, đồng thời khẳng định, sau hội thảo, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung một số nội dung đã được thảo luận để hoàn thiện báo cáo. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cũng nhìn nhận, dù đã được đầu tư, hỗ trợ nhưng khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS và miền núi so với miền xuôi ngày càng kéo giãn ra. Do đó, việc xây dựng báo cáo “Đánh giá chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030” đạt chất lượng cao, vừa ngắn gọn nhưng vẫn bao trùm được những vấn đề cơ bản nhất của vùng DTTS và miền núi, là cơ sở để xây dựng, ban hành và thực thi chính sách dân tộc trong giai đoạn mới.

Sỹ Hào (Báo DT&PT)