Góp ý dự thảo Báo cáo khả thi và Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020

01:58 PM 22/04/2016 |   Lượt xem: 2403 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện một số Bộ, ngành liên quan; đại diện một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ; đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Ban Dân tộc các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng.

Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã giới thiệu tóm tắt dự thảo Khung thiết kế CT135 giai đoạn 2016 - 2020 và dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện CT135 về hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, CT135 hướng tới mục tiêu thúc đẩy giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập cho các hộ gia đình thuộc các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu và thôn, bản ĐBKK. Chương trình gồm 3 dự án thành phần: Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn, bản; hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập; nâng cao năng lực cho cán bộ xã và cộng đồng.

Ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối CT135 phát biểu tại Hội thảo

CT135 giai đoạn 2016 - 2020 là một dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (CTMTQG GNBV) được thiết kế trên nguyên tắc hài hoà, thống nhất với thiết kế của CTMTQG GNBV. Chương trình sẽ cung cấp cơ hội thúc đẩy phát triển KT-XH tại các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản ĐBKK, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy người dân và cộng đồng tích cực nắm bắt cơ hội đó để giảm nghèo bền vững.

Nguyên tắc xuyên suốt của Chương trình là ưu tiên hỗ trợ cho hộ DTTS nghèo, phụ nữ, trẻ em, các nhóm yếu thế khác tại vùng thụ hưởng. Thông qua các chiến lược và cơ chế thực hiện của Chương trình để phát huy các kiến thức bản địa, các giá trị văn hóa, đặc điểm tộc người, các thiết chế cộng đồng. Cùng với đó, Chương trình sẽ góp phần nâng cao năng lực của cấp xã và cộng đồng để cấp xã làm chủ đầu tư, cộng đồng trực tiếp thực hiện phần lớn các hoạt động của Chương trình, phát huy trách nhiệm của cộng đồng trong giám sát, duy tu và bảo dưỡng; chấm dứt tình trạng hỗ trợ cho không, hỗ trợ hiện vật, phát huy đóng góp về vật chất và sức lao động của cộng đồng trong thực hiện các hoạt động của CT135; đảm bảo tính kết nối, hỗ trợ giữa các dự án thuộc CT135 để cùng hướng đến mục tiêu giảm nghèo. Đây cũng là cơ hội để tăng cường sự phát triển quan hệ đối tác rộng rãi giữa Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ, các đối tượng cung cấp dịch vụ để huy động hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực và hợp tác nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình hiệu quả.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến vào nội dung Khung thiết kế CT135. Một số ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng cơ chế đặc thù rút gọn mang tính hệ thống để đồng bộ các chương trình, dự án trong một thôn, xã, tránh tình trạng chồng chéo gây khó khăn trong việc thực hiện. Bên cạnh đó,Chương trình phải đảm bảo quá trình phân bổ vốn, nguồn tài chính cho các xã 135; việc duy tu bảo dưỡng công trình tại các thôn, bản nên giao cho dân làm chủ, vận hành theo quy chế và UBND xã cần có trách nhiệm trong việc theo dõi, vận hành; cần chú trọng đến việc phân cấp, phân quyền và công tác đào tạo kỹ năng cho các cán bộ trực tiếp tham gia vào dự án… Các đại biểu cũng đề cập và đưa ra nhiều ý kiến đối với dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Chương trình 135.

Phát biểu tại Hội thảo, ôngVõ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ông Bảy cũng mong muốn các đại biểu sẽ tiếp tục có những ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả gửi về Văn phòng Điều phối Chương trình 135 - UBDT để tổng hợp, bổ sung hoàn thiện các văn bản, thông tư. 

Ngọc Ánh