NGƯỜI CHU-RU

11:02 AM 31/10/2015 |   Lượt xem: 28647 |   In bài viết | 

Tên gọi khác: Chơ Ru, Kru, Thượng.
Dân số: 23.242 người (Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô - Polynêxia, (ngữ hệ Nam Ðảo), gần với tiếng Chăm. Có một bộ phận người Chu Ru sống gần với người Cơ Ho nên nói tiếng Cơ Ho (thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me).

Lịch sử: Có lẽ xa xưa, tổ tiên người Chu Ru là một bộ phận trong khối cộng đồng Chăm; về sau, họ chuyển lên miền núi sống biệt lập với cộng đồng gốc nên thành người Chu Ru.

Hoạt động sản xuất: Người Chu Ru sống định cư, định canh trên cơ sở một truyền thống nông nghiệp từ lâu đời. Ruộng ở đây có hai loại: ruộng sình và ruộng khô. Việc làm thuỷ lợi bằng mương, phai, đê, đập được chú trọng. Vườn có trên rẫy và vườn ở gần nhà. Chăn nuôi có gia súc và gia cầm. Săn bắn, hái lượm và đánh cá là hoạt động thường xuyên. Nghề thủ công gia đình được phổ biến có đan lát, gốm thô.

Một kiểu nữ phục truyền thống của dân tộc Chu Ru là váy và tấm choàng để hở một bên vai. Hầu hết trang phục của phụ nữ Chu Ru là do người Cơ Ho sản xuất.

Ăn: Lương thực chính là gạo tẻ được nấu trong những nồi đất nung tự tạo. Lương thực phụ có ngô, khoai, sắn. Thức ăn có măng rừng, rau đậu, cá suối, chim thú săn bắn được. Thức uống có rượu cần và rượu cất. Nam nữ đều thích hút thuốc lá sợi bằng tẩu.

Mặc: Nghề dệt không phát triển nên những sản phẩm của y phục như: váy, áo, khố, mền, địu... có được đều do trao đổi với các tộc láng giềng như: Chăm, Cơ Ho, Raglai, Mạ...

: Hiện tại, họ sống ở hai xã Ðơn và Loan thuộc huyện Ðơn Dương, một số khác ở huyện Ðức Trọng và Di Linh tỉnh Lâm Ðồng. Tại hai huyện An Sơn và Ðức Linh thuộc tỉnh Ninh Thuận cũng có vài ngàn người Chu Ru sinh sống. Người Chu Ru ở nhà sàn làm bằng tre, gỗ, bương, mai, lợp bằng cỏ tranh. Họ cư trú theo đơn vị làng (plei) và những gia đình thân thuộc thường xây cất nhà cửa gần gũi nhau.

Phương tiện vận chuyển: Chiếc gùi nan cõng trên lưng vẫn là phương tiện vận chuyển được sử dụng thường xuyên cho mọi người.

Quan hệ xã hội: Quan hệ chủ đạo trong cơ cấu xã hội Chu Ru là gia đình mẫu hệ với vai trò được tôn vinh là người phụ nữ, người thừa kế của gia đình, dòng họ mẹ. Nếu nhìn vào bộ máy tự quản ở các làng thì ta thấy người đàn ông đang đứng mũi chịu sào trong mọi lĩnh vực để cho xã hội được vận hành theo định hướng của ông bà xưa. Thực ra, họ đã hành động theo ý chí của người vợ, người chủ nhân ngôi nhà mà họ đang cư ngụ theo tục cưới chồng. Xã hội đã có sự phân hoá giàu, nghèo nhưng không có sự xung đột giữa hai tầng lớp ấy trong làng.

Quần trắng, áo dài đen, đầu vấn khăn trắng là bộ trang phục truyền thống của người đàn ông Chu Ru, thường chỉ mặc vào các dịp cưới xin, lễ hội, hay đi đám ma... Những sản phẩm này hầu hết họ mua lại của người Chăm

Cưới xin: Người phụ nữ chủ động trong quan hệ lứa đôi. Việc "hỏi chồng" và "Cưới chồng" được thực hiện qua những thông tin ở việc trao tặng chàng trai chiếc nhẫn và chuỗi hạt cườm. Sau lễ cưới, người con gái phải ở dâu nửa tháng tại gia đình chồng để chờ lễ đón rể về nhà. Họ cư trú phía nhà gái.

Ma chay: Người Chu Ru theo tục thổ táng tại nghĩa địa chung của làng. Xưa kia, việc ma chay thường được tổ chức linh đình với lễ hiến sinh trâu bò.

Nhà mới: Việc dựng nhà mới được coi trọng với sự tập trung tâm lực của gia đình chủ và sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng làng. Khi khánh thành nhà mới và dọn về ở nhà mới, họ hàng và cả làng quây quần giúp đỡ. Họ tổ chức tiệc mặn để cầu cúng thần linh, thụ lộc và chia vui cùng gia chủ.

Lễ tết: Một năm với chu kỳ canh tác ruộng nước, người Chu Ru có nhiều nghi lễ như: cúng thần đập nước, thần mương nước, thần lúa khi gieo hạt, ăn mừng lúa mới, cúng sau mùa thu hoạch. Ðáng lưu ý là lễ cúng thần bơnung vào tháng hai âm lịch, dân làng thường hiến sinh dê. Và lễ cúng Yang Wer, một cây đại thụ ở gần làng, được coi là nơi ngự trị của các thần linh. Người ta thường làm những hình nộm dã thú bằng gỗ hay củ chuối để đặt dưới gốc cây.

.

Có nhiều cách địu em, địu sau lưng và địu phía trước.

Lịch: Người Chu Ru theo lịch âm, tính tháng chu kỳ canh tác nông nghiệp của tổ tiên xưa.

Học: Trước kia, người Chu Ru không có chữ viết, mọi sự truyền đạt, thông tin đều qua truyền khẩu.

Văn nghệ: Vốn ca dao, tục ngữ rất phong phú, phản ánh việc đề cao vai trò phụ nữ, ca ngợi chế độ gia đình mẫu hệ. Về nhạc cụ, đáng lưu ý là trống, kèn và chiêng. Ngoài ra còn một số nhạc cụ khác như: r’tông, kwao, terlia là những nhạc cụ đặc sắc của người Chu Ru. Trong hội hè, nhạc cổ truyền Chu Ru thường được cất lên cùng với vũ điệu tamga nổi tiếng.

Chơi: Sở thích của trẻ em là đánh cù, chơi thả diều (diều bướm và diều sáo). Chúng cũng hay chơi trò kéo co, đi cà kheo, đuổi bắt nhau...

(Bức tranh Văn hóa các Dân tộc Việt Nam - NXB Giáo dục)