Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

10:16 AM 22/03/2024 |   Lượt xem: 30736 |   In bài viết | 

Chùa Monivongsa Bopharam (phường 1, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) là nơi diễn ra nhiều nghi thức, hoạt động phong phú của đồng bào Khmer trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây.

Vào giữa tháng 4 dương lịch hàng năm, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau lại tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc mình. Cũng như Tết Nguyên đán, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, có ý nghĩa mừng năm mới theo lịch cổ truyền của đồng bào, là Tết chịu tuổi. Đây là dịp để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; các thành viên trong gia đình cùng tề tựu, sum họp sau những ngày tháng làm việc, lao động vất vả và động viên nhau tiếp tục cố gắng để ngày càng phát triển hơn.

Theo tiếng Khmer, “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” là năm mới. Những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây trở thành lễ hội truyền thống của cả cộng đồng các dân tộc trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với người Khmer, chùa là nơi để đồng bào thực hiện các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp vào dịp lễ, tết. Công việc thường ngày tạm gác lại, mọi người đều tập trung vào các hoạt động ngày Tết. Vào những ngày trước Tết, nhiều gia đình đồng bào Khmer bắt đầu chuẩn bị để tiễn năm cũ đi qua, đón năm mới đến. Các hoạt động chuẩn bị đón Tết thường là sửa sang, quét dọn, trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị thức ăn đầy đủ cho những ngày Tết.

Nghi thức Lễ sớt bát tại chùa Khmer dịp Tết Chôl Chnăm Thmây (Ảnh tư liệu)

Như mọi năm, vào thời điểm giáp Tết Chôl Chnăm Thmây, gia đình ông Danh Đô, Người có uy tín ở ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, bàn thờ tổ tiên và chuẩn bị một số bánh dân gian, hoa quả và một số loại thức ăn khác để chuẩn bị đón Tết. 

Năm nay, niềm vui đón Tết của gia đình ông được nhân lên nhiều lần khi được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang. Ông Danh Đô cho biết: “Các hoạt động trong những ngày Tết của gia đình tôi được diễn ra tại Salatel. Cũng như thường lệ hàng năm, tôi và các thành viên trong gia đình cùng nhau dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa để cầu mong mọi việc thuận lợi, tốt đẹp. Năm mới đến, các thành viên trong gia đình chúc nhau nhiều sức khỏe, mọi người có điều kiện sum vầy bên nhau sau những ngày lao động”.

Dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024, chính quyền và các sở, ban, ngành tại các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống sẽ tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các điểm chùa, salatel, ban quản trị, ban hoằng pháp, các vị sư, sãi, achar, hộ nghèo, hộ cận nghèo, cán bộ hưu trí, gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang là người dân tộc Khmer; các điểm có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống…

Đến ngày 14/4, mọi người sẽ mặc những bộ quần áo đẹp, chuẩn bị mâm cỗ, lễ vật lên chùa để làm lễ rước đại lịch. Các lễ vật mang theo bao gồm: nhang, đèn, hoa quả đến chùa lễ Phật, tụng kinh chúc mừng năm mới; Ngày 15/4 là ngày làm lễ dâng cơm và đắp núi cát. Mỗi gia đình làm cơm dâng cho các vị sư, sãi ở chùa vào buổi sớm và trưa, buổi chiều, tổ chức lễ đắp núi cát để tìm phúc duyên; Ngày 16/4 làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Tại một số chùa, Salatel, Ban Quản trị, Ban Hoằng pháp cũng tất bật dọn dẹp, trang trí lại để chuẩn bị thực hiện các nghi lễ đón năm mới cho bà con đồng bào Khmer.

Lễ rước Đại lịch (Maha Sangkran) trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: TL

Ông Hữu Nhơn, ngụ tại ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình cho biết: Do cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, người ta bận rộn với công việc, lao động sản xuất, một số hoạt động văn hóa của đồng bào Khmer ngày một đơn giản. Các nghi thức, nghi lễ đón năm mới của ngày Tết Chôl Chnăm Thmây sẽ là dịp tốt để tái hiện và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. 

"Tại gia đình tôi, những ngày gần Tết hàng năm, con cháu đều tập trung lại cùng gói bánh tét, dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa. Vào các ngày Tết chính sẽ chuẩn bị mâm cơm mang lên Chùa cúng và nhờ sư tụng kinh, đón các nàng tiên và thực hiện nghi thức chịu tuổi, cầu mong mọi điều tốt đẹp trong năm mới”, ông Hữu Nhơn cho hay.

Có thể nói, Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ thể hiện quan niệm của người Khmer về chu kỳ vận chuyển của năm, mà còn nhằm giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, đoàn kết gắn bó thắt chặt tình đoàn kết thương yêu nhau trong phum sóc. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau chia phúc, chúc mừng, thăm hỏi, bàn bạc, trao đổi kinh nghiệp chuyện tương lai. 

Ông Danh Đô, Người có uy tín ở ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cùng gia đình đến dâng lễ tại Salatel (Ảnh tư liệu)

Những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây tạo thêm sự gắn bó, đoàn kết giữa 3 dân tộc, Kinh, Khmer, Hoa, gắn kết tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết cộng đồng. Bên cạnh đó, Tết Chôl Chnăm Thmây, còn là dịp để đồng bào Khmer gửi gắm ước mơ hạnh phúc, ý thức hướng thiện và lòng báo ân với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình trong năm.

Để tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 diễn ra thành công tốt đẹp, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành: Trà Vinh, Cà Mau, Cần Thơ… đã ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer đón Tết trong không khí vui tươi, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer; bảo đảm an ninh, trật tự  trong những ngày đồng bào vui đón Tết.

(baodantoc.vn)