Đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách về công tác dân tộc
09:08 AM 09/08/2023 | Lượt xem: 5606 In bài viết |Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách như: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư; chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; chính sách phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhà nước hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS khởi nghiệp, phát triển sản xuất
Dự thảo Nghị định đề xuất chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư như sau: Tập trung nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ phù hợp với đặc điểm tự nhiên, văn hóa, tập quán của dân tộc, vùng miền. Trong đó, ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn du canh, du cư; vùng thường xuyên xảy ra thiên tai hoặc có nguy cơ xảy ra thiên tai; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhà nước hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở vùng đồng bào DTTS khởi nghiệp, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị; khôi phục, phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững.
Hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở vùng đồng bào DTTS được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được hỗ trợ các nguồn lực khác để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, DTTS rất ít người sinh sống.
Học sinh, sinh viên người DTTS rất ít người được miễn học phí tất cả các cấp học, ngành học
Về chính sách phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo nêu rõ: Phát triển cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đa dạng các hình thức đào tạo, dạy nghề cho nhân lực DTTS nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển số quốc gia và hội nhập quốc tế.
Thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh, học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, chỗ ở, tín dụng giáo dục và chính sách hỗ trợ học tập khác đối với học sinh, sinh viên người DTTS theo quy định của pháp luật.
Học sinh, sinh viên người DTTS rất ít người, học sinh, sinh viên các dân tộc có khó khăn đặc thù được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học.
Thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo giáo viên là người DTTS và giáo viên dạy tiếng DTTS.
Ưu tiên cán bộ nữ, DTTS rất ít người tham gia vào cơ quan nhà nước
Cán bộ người DTTS có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được ưu tiên bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp.
Ở các địa phương vùng đồng bào DTTS, nhất thiết phải có cán bộ chủ chốt người DTTS.
Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ, DTTS rất ít người, DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS theo quy định.
Biểu dương, tôn vinh người có uy tín trong đồng bào DTTS
Người có uy tín trong đồng bào DTTS được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, được khen thưởng, biểu dương, tôn vinh, thăm hỏi, tiếp đón và được hưởng các chế độ, ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Định kỳ 2 năm đối với cấp huyện và cấp tỉnh, 5 năm đối với cấp Trung ương tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, vinh danh đối với các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi."
Chính sách phát triển du lịch
Tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng.
Đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch, chú trọng xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu, đặc trưng cho các vùng đồng bào DTTS; thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch.
Đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cộng đồng các DTTS giữ gìn tài nguyên du lịch, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc trưng.
Nâng cao thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ của người DTTS
Đối với chính sách y tế, dân số, tập trung phát triển các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao để nâng cao thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ của người DTTS. Chú trọng các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em.
Hỗ trợ việc bảo tồn, khai thác, sử dụng những bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh cổ truyền có giá trị của đồng bào các dân tộc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Nâng cao chất lượng dân số, phát triển dân số hợp lý của từng dân tộc. Trong đó, có chính sách hỗ trợ kịp thời để bảo tồn, phát triển các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, DTTS rất ít người.
Tăng cường tuyên truyền, can thiệp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
(baochinhphu.vn)