Quan tâm đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
03:47 PM 02/12/2020 | Lượt xem: 5212 In bài viết |Cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, đều là “Con Rồng cháu Tiên” chung sống hòa thuận; một lòng theo Đảng, kề vai, sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú, đặc sắc, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Đời sống của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Từ Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ Nhất (năm 2010) đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào; chăm lo củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.
Các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, nhất là địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn, đạt được kết quả rất quan trọng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững hơn.
Ông A Yer, Phó Chủ tịch UBND xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) cho biết, từ nhiều năm qua nhờ có nguồn lực đầu tư của tỉnh và huyện, xã Mô Rai đã có nhiều chương trình, đề án phát triển KT - XH cho người Rơ Măm (Một trong những dân tộc rất ít người). Cùng với đó, Quyết định 2086/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 đã mang lại nhiều chính sách hỗ trợ người Rơ Măm.
Cụ thể, trong hai năm 2018-2019, tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân làng Le xã Mô Rai là trên 3,7 tỉ đồng, tập trung vào việc hỗ trợ bò cái sinh sản, trâu, làm chuồng trại và giống cây trồng. Đồng thời, hỗ trợ hai bộ cồng chiêng cũng như trang thiết bị trong nhà rông văn hóa để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ đó, đời sống của người Rơ Măm ngày càng phát triển, bộ mặt làng Le và xã Mô Rai ngày một đổi thay.
“Chính quyền xã Mô Rai đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai các chính sách, các nội dung hỗ trợ trong Quyết định 2086/QĐ-TTg. Trong đó, chú trọng hỗ trợ về cây giống, chăn nuôi trâu, bò, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Qua đó, giúp được làng Le phát triển kinh tế, giảm từ 44 hộ nghèo năm 2019 đến cuối tháng 10/2020 chỉ còn 31 hộ. Xã sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách để giúp đồng bào Rơ Măm phát triển kinh tế, xóa nghèo”, ông A Yer chia sẻ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Mặc dù đất nước còn khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương; các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư cho vùng DTTS và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và nguồn ngân sách đầu tư công đã tập trung xây dựng hàng vạn công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… ở vùng DTTS và miền núi.
Nhờ đó bộ mặt nông thôn miền núi đã có bước phát triển mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng đồng bộ hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Đến nay 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện lỵ được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm huyện, trong đó trên 95% số km được cứng hóa; 100% xã, 97,2% thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 65,8% xã, 76,7% thôn có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2-3%
Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo được Đảng và Nhà nước chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, được cả xã hội quan tâm, đồng lòng ủng hộ, đạt được kết quả nổi bật. Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%. Bước đầu đã thu hẹp một bước địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn; giai đoạn 2015 - 2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS và miền núi được nhân dân hồ hởi hưởng ứng, chung tay thực hiện; đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, bộ mặt nông thôn miền núi đã có những đổi thay rõ rệt. Sau 10 năm thực hiện chương trình, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Vùng DTTS và miền núi đã có 1.052 xã (chiếm 22,29%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 106 xã từ đặc biệt khó khăn đã phấn đấu trở thành xã nông thôn mới; có 27 huyện (chiếm 6%) vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho rằng, để phù hợp với đặc điểm của vùng DTTS và miền núi, Ban Chỉ đạo Trung ương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1385/QĐ-TTg về tiêu chí xây dựng thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được cấp ủy, chính quyền các tỉnh vùng DTTS và miền núi đánh giá cao. Đi đôi với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, công tác bảo đảm an ninh quốc phòng vùng biên giới cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào DTTS chú trọng.
Ông Thao Điểng, Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum chia sẻ, cùng với mục tiêu phát triển KT-XH, là khu vực biên giới, người đồng bào DTTS Brâu tại thôn Đăk Mế luôn thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh. Người dân trong thôn đã thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đấu tranh, tố giác những người có hành vi vi phạm pháp luật. Thôn đã xây dựng một tổ an ninh tự quản hoạt động có hiệu quả, xây dựng được tổ hòa giải, làm tốt công tác giao quân, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ hàng năm.
Sự nghiệp "trồng người" ở vùng miền núi được quan tâm
Sự nghiệp giáo dục đào tạo, sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thông tin, truyền thông được chú trọng. Hợp tác quốc tế về công tác dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào DTTS tiếp cận với các dịch vụ công… đã góp phần nâng cao nhận thức, mức độ hưởng thụ văn hóa, mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và xóa bỏ các hủ tục tập quán lạc hậu.
Các địa phương đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới nội dung hoạt động sưu tầm, kiểm kê, trưng bày hiện vật để phát huy giá trị di sản văn hóa ở 3 bảo tàng cấp Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh. Nhiều địa phương đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các đề án, dự án bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hiệu quả. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đồng bào DTTS hưởng ứng, đạt kết quả tốt; nhờ đó, một số phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ. Hằng năm, đã tổ chức được nhiều ngày hội văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của các dân tộc đặc trưng cho từng vùng, miền.
Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Thực hiện hiệu quả Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo; đến nay, 95% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; xây dựng được hơn 16.000 điểm bưu điện văn hóa xã, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc đa dạng của người dân. Các ấn phẩm báo chí phong phú, đa dạng; có gần 100 tờ báo viết, 200 trang thông tin điện tử cùng với hàng triệu tờ báo, tạp chí của 18 ấn phẩm báo chí; trong đó có Chuyên đề DTTS và miền núi của báo Tin tức (TTXVN) cấp không thu tiền ở vùng DTTS và miền núi đã góp phần chuyển tải chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.
Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được kết quả đáng khích lệ về cả quy mô, mạng lưới và chất lượng. Hiện nay có 5.766 trường mầm non và 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Các tỉnh vùng DTTS và miền núi đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở…
Năm 2019, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 96,9%; cấp trung học cơ sở là 81,6%; cấp trung học phổ thông là 47%. Đã triển khai dạy và học 6 thứ tiếng DTTS (Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê) cho gần 185.000 học sinh phổ thông của 21 tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra còn có 6 thứ tiếng DTTS khác (Hoa, Thái, Cơ Tu, Tà Ôi, PaKo, MNông) đang được dạy thực nghiệm tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước với hàng trăm lớp và hàng chục nghìn học sinh.
Bên cạnh đó, việc dạy học tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS được các địa phương đẩy mạnh. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm, trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30.000 người từ 15-60 tuổi tham gia các lớp học xóa mù chữ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2021-2030, đồng bào các DTTS và miền núi sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân. Gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và các thành phần kinh tế để quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xóa bỏ tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(baotintuc.vn)