Xem xét, phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương của 3 chương trình mục tiêu quốc gia

08:36 AM 29/11/2022 |   Lượt xem: 2485 |   In bài viết | 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 17 chiều 28/11 - Ảnh: VGP/LS

Trình bày báo cáo tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ trình phương án phân bổ 2.942,139 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình như sau: Phân bổ 2.497,732 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó, phân bổ 2.138,811 tỷ đồng cho Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên minh Hợp tác xã để thực hiện một số nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 và Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021.

Phân bổ 358,921 tỷ đồng bổ sung cho các địa phương thực hiện Nội dung số 02 “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý” thuộc Tiểu dự án 2 Dự án 3; nội dung “Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự” thuộc Tiểu dự án 2 Dự án 10 của Chương trình.

Chính phủ đề xuất chưa phân bổ 444,407 tỷ đồng. Số vốn này dự kiến để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất cho 2 trường (Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80). Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ, giao kế hoạch số vốn này sau khi hoàn thành việc rà soát, bàn giao, tiếp nhận quản lý 2 trường hoàn thành theo quy định.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chính phủ trình phương án phân bổ 2.000 tỷ đồng vốn còn lại cho 17 tỉnh thực hiện đầu tư một số công trình giao thông liên xã trên địa bàn 22 huyện nghèo theo quy định tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chính phủ trình phương án phân bổ 3.000 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình như sau: Phân bổ 2.050 tỷ đồng cho 45 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi theo các tiêu chí, hệ số phân bổ quy định tại khoản các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Phân bổ 300 tỷ đồng cho 30 tỉnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Phân bổ 650 tỷ đồng cho các tỉnh để thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong quá trình triển khai Chương trình theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Mục 1 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với đề xuất bổ sung 88,6 triệu USD cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, căn cứ quy định Luật Đầu tư công, các Nghị quyết số 25/2021/QH15 và số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội và xét sự cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc bổ sung 88,6 triệu USD vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nguồn bổ sung từ nguồn kế hoạch vốn nước ngoài chưa phân bổ tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.

Đối với phương án phân bổ 88,6 triệu USD (tương đương 2.050 tỷ đồng) vốn nước ngoài cho các địa phương, trên cơ sở đề xuất bổ sung 88,6 triệu USD vốn vay nêu trên, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phương án phân bổ 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài cho 16 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn. Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 5 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022.

Thẩm tra phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với các nguyên tắc bố trí kế hoạch vốn ngân sách Trung ương cho giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia như tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc sau: Tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc đã được quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 1/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, tránh lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp các nhiệm vụ chi; bảo đảm cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên một cách hợp lý; chi tiết đến nhiệm vụ trọng tâm và bảo đảm trong phạm vi tổng mức vốn từng chương trình; không vượt quá mức vốn Quốc hội đã quyết nghị tại các Nghị quyết số: 29/2021/QH15, 34/2021/QH15, 40/2021/QH15.

Đối với đề xuất phân bổ 2.497,732 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua rà soát, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, Chính phủ dự kiến phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án cụ thể của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, bám sát các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định tại các nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, đa số ý kiến nhất trí với phương án đề xuất của Chính phủ. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục rà soát, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn. Đối với các địa phương, đề nghị tăng cường huy động, lồng ghép, kết hợp với một số quỹ để bổ sung đầu tư các trạm phát sóng vùng lõm để bảo đảm thông tin, nhất là khu vực biên giới, hải đảo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.

Có ý kiến đề nghị giải trình dự kiến bố trí 888,816 tỷ đồng cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đầu tư cơ sở vật chất cho 2 trường thuộc Bộ: Làm rõ tính hợp lý, sự cần thiết đầu tư cơ sở vật chất cho các trường từ chương trình này, vì hằng năm đã phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với phương án phân bổ vốn đầu tư đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với phương án phân bổ 3.000 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương còn lại của chương trình, bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ bám sát các nguyên tắc, tiêu chí trong việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương, trong đó, ưu tiên cho các xã, huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã An toàn khu, xã "trắng" nông thôn mới, xã dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững.

Đối với phương án phân bổ vốn đầu tư đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chính phủ đề xuất phương án phân bổ 2.000 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương còn lại của chương trình để hỗ trợ đầu tư một số công trình giao thông liên xã trên địa bàn huyện nghèo đối với 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí và đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ theo quy định.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cho rằng việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung này là đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, thống nhất với các phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương cho 3 chương trình như Chính phủ trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí cho phép bố trí kế hoạch vốn nước ngoài 88,6 triệu USD, tương ứng với 2.050 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở; đồng thời, cơ bản thống nhất phương án phân bổ chi tiết số vốn 2.050 tỷ đồng này cho các địa phương theo đề xuất như trong báo cáo tờ trình của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, Chính phủ sử dụng vốn này đúng mục đích.

Cho ý kiến về phương án phân bổ vốn đầu tư còn lại cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm nhất trí với phương án phân bổ cho 4 bộ, ngành Trung ương để đầu tư cơ sở vật chất, song cũng nhấn mạnh lại việc phải bảo đảm các nguyên tắc như bảo đảm thứ tự ưu tiên trong sử dụng vốn, bảo đảm đúng tiến độ, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lưu ý, chương trình này đã sang năm thứ 2, chuẩn bị bước sang năm thứ 3 triển khai thực hiện nhưng việc giải ngân, bảo đảm đúng các yêu cầu về trình tự, quy định là hết sức quan trọng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, qua tiếp xúc cử tri ở một số địa phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thấy rằng, một số cơ sở vật chất cho các trường bán trú, nội trú vùng biên giới, vùng cao… còn rất hạn chế, khó khăn. Bên cạnh đó, các công trình ổn định dân di cư tự do, ổn định dân cư ở các vùng có công trình thủy điện, thủy lợi và vùng giãn dân trong đầu tư chung của Nhà nước tiến độ còn chậm. Do vậy, Hội đồng Dân tộc mong muốn Chính phủ trong quá trình phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương cho chương trình này có sự xem xét, cân nhắc phù hợp và sử dụng hiệu quả đồng vốn, nhất là bảo đảm tiến độ đầu tư để tránh tình trạng phải chuyển nguồn, chuyển vốn sang các năm sau, cùng với đó, quan tâm đầu tư những nội dung có tính cấp bách, cấp thiết như nêu ở trên./.

(baochinhphu.vn)