Giải quyết triệt để vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719

08:32 AM 06/06/2024 |   Lượt xem: 13699 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Đánh giá của Chính phủ cho thấy, so với các chương trình MTQG khác, tỷ lệ giải ngân của Chương trình MTQG 1719 đạt kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, về tổng thể, kết quả giải ngân của Chương trình chưa được như mong muốn, đặc biệt là kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn tương đối thấp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện Chương trình còn chậm so với kế hoạch đề ra là do, đây là Chương trình MTQG mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần nên khi triển khai đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc. Những vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời được giải quyết. Tuy nhiên, có những vướng mắc (quy định về nguồn vốn sự nghiệp, địa bàn thực hiện) thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần được giải quyết từ điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình thì việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình là cần thiết và cấp bách. Việc điều chỉnh không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn của Chương trình đã được phê duyệt; đồng thời không làm phát sinh tăng đối tượng thụ hưởng.

Giai đoạn 2021 - 2025, các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình đã được phân khai vốn thực hiện tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg; trong đó, vốn sự nghiệp được bố trí 54.324,848 tỷ đồng để triển khai các chính sách. Nhưng tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 (Điểm b, Khoản 3, Điều 1), Quốc hội khóa XIV đã quyết nghị, nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, chưa quy định nguồn vốn sự nghiệp

Điều này đã dẫn đến lúng túng trong quá trình lập kế hoạch, phân bổ, lồng ghép nguồn vốn thực hiện, khiến tỷ lệ giải ngân rất thấp. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 3, vốn sự nghiệp giải ngân thực hiện Chương trình năm 2024 chỉ được khoảng 38,385 tỷ đồng, đạt 1% kế hoạch. Còn trong năm 2023, giải ngân vốn sự nghiệp của Chương trình (bao gồm cả vốn sự nghiệp năm 2022 kéo dài sang) chỉ được 4.945,21 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch.

Một vướng mắc cũng cần được giải quyết là điều chỉnh chủ trương đầu tư để bảo đảm sự thống nhất giữa đối tượng thụ hưởng và địa bàn đầu tư. Chương trình đã có nội dung, nguồn vốn đầu tư cho một số đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, các trường phổ thông dân tộc nội trú, một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS, trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện. Đây đều là những cơ quan, đơn vị, tổ chức có vai trò quan trọng và trực tiếp tác động đến các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình.

Tuy nhiên, theo quy định, Chương trình được triển khai trên địa bàn các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi; trong khi đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nêu trên lại có trụ sở không nằm trên địa bàn đầu tư. Điều này dẫn đến một số khó khăn trong việc lập, thẩm định kế hoạch bố trí vốn, đầu tư, thanh quyết toán các nội dung đầu tư cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức này.

So với các chương trình MTQG khác, tỷ lệ giải ngân của Chương trình MTQG 1719 đạt kết quả tương đối khả quan. (Ảnh minh họa)

Những khó khăn, vướng mắc này chỉ được giải quyết triệt để từ việc điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7, ngày 22/5, khi trình bày báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, việc điều chỉnh là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình ở mức cao nhất theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14, đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của người dân vùng DTTS và miền núi, cũng như cả nước.

Trên nghị trường cũng như trong thảo luận tại tổ, các Đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho rằng, để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình thì việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình là cần thiết và cấp bách. Việc điều chỉnh không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn của Chương trình đã được phê duyệt; đồng thời không làm phát sinh tăng đối tượng thụ hưởng. Sau khi điều chỉnh được phê duyệt, với quyết tâm cao hơn của các bộ, ngành trong việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn, những vướng mắc của Chương trình được tháo gỡ triệt để, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

(baodantoc.vn)