Công tác chuẩn bị cho điều tra thu thập thông tin về thực trang kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015

05:44 PM 02/10/2015 |   Lượt xem: 3033 |   In bài viết | 

Thực hiện Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) và trên cơ sở phối hợp với Ủy ban Dân tộc, ngày 29 tháng 05 năm 2015, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 407/QĐ-TCTK về việc tiến hành Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2015 (gọi tắt là Điều tra 53 DTTS).

Điều tra 53 DTTS là cuộc Điều tra lần đầu được tiến hành với sự phối kết hợp giữa Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc. Mục tiêu chính của cuộc Điều tra là thu thập thông tin về dân số, thu nhập, điều kiện nhà ở của hộ và các điều kiện kinh tế - xã hội nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng DTTS. Những dữ liệu thu thập được sẽ làm cơ sở hình thành hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS tại Việt Nam.

Đây là cuộc điều tra đột xuất, không nằm trong chương trình điều tra thống kê hằng năm, lại rất phức tạp và có nhiều điểm mới và khác biệt so với các cuộc Điều tra mà Tổng cục đã thực hiện, vì vậy công tác chuẩn bị cho cuộc điều tra cần đặc biệt chú trọng. Cụ thể: Xây dựng phương án Điều tra 53 DTTSnăm 2015 phải đạt các mục tiêu về tính hiệu quả, chính xác, rút ngắn hơn nữa thời gian xử lý và cung cấp số liệu, mở rộng nội dung nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của các cấp, các ngành.

Là đơn vị chủ trì cuộc điều tra, Tổng cục Thống kê đã chủ động khảo sát, thiết kế sơ bộ nội dung điều tra; Phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi để nắm bắt nhu cầu thông tin của Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và đông đảo người dân trong và ngoài nước.

Xác định đây là cuộc Điều tra có nội dung phức tạp, việc thu thập thông tin đảm bảo nhiều chỉ tiêu khác nhau, vì vậy, Tổng cục Thống kê đã khẩn trương triển khai việc thiết kế Phiếu điều tra và biên soạn các tài liệu phục vụ điều tra. Cuộc Điều tra sử dụng 03 loại phiếu Điều tra: Phiếu 01-HO/ĐTDT- 2015 áp dụng với hộ DTTS được chọn từ danh sách hộ DTTS của những địa bàn mẫu nhằm thu thập thông tin về nhân khẩu học, điều kiện nhà ở và điều kiện kinh tế - xã hội của dân cư; Phiếu 02-HO/ĐTDT-2015 áp dụng với các hộ DTTS được chọn ra từ những hộ đã điều tra phiếu hộ nhằm thu thập thông tin về thu nhập của hộ; Phiếu 03-XA/ĐTDT-2015 áp dụng với Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc Khu vực I,II,III theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc và các xã phường, thị trấn không thuộc khu vực trên nhưng có địa bàn vùng DTTS.

Để có cơ sở hoàn thiện phương án điều tra, trong tháng 4/2015, Tổng cục Thống kê đã tổ chức điều tra thí điểm tại hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Kết quả từ điều tra thí điểm đã cung cấp những bài học thực tiễn quý giá cho công tác điều hành, chỉ đạo, tổ chức và thực hiện với một số điểm nổi bật sau:

Về công tác tổ chức: Điều tra 53 DTTS là cuộc điều tra quy mô lớn, phức tạp, nên việc tiếp cận hộ ở rất nhiều địa bàn gặp nhiều khó khăn, người cung cấp thông tin là người DTTS, có trình độ dân trí thấp. Cuộc điều tra lại tập trung ở hầu hết các xã, phường, thị trấn đi lại khó khăn, gần như trải rộng khắp các quận, huyện, xã phường trên toàn quốc. Mặt khác cuộc Điều tra 53 DTTS không thực hiện điều tra toàn bộ địa bàn mà chỉ tiến hành điều tra khoảng 40 hộ trong 1 địa bàn (phiếu hộ) đối với các DTTS trên 10.000 người và Điều tra toàn bộ với các DTTS dưới 10.000 người. Chính vì vậy công tác tổ chức điều tra có nhiều điểm khác biệt so với các cuộc điều tra thường xuyên và hằng năm của Tổng cục. Việc tiến hành điều tra thí điểm đã giúp Tổng cục Thống kê tìm ra giải pháp hợp lý cho công tác tổ chức điều tra. Trước hết tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng là những người có kinh nghiệm trong điều tra thống kê và am hiểu địa bàn được phân công điều tra.

Về nội dung điều tra: việc thiết kế nội dung điều tra trên ba loại phiếu là hoàn toàn khả thi và góp phần quan trọng giúp: Mở rộng nội dung điều tra; Nâng cao chất lượng thông tin, nhất là đối với những câu hỏi nhạy cảm và phức tạp; Tiết kiệm kinh phí điều tra.

Về công tác rà soát địa bàn, lập bảng kê: Bảng kê được sử dụng trong Điều tra 53 DTTS tương đối phức tạp so với các bảng kê của các cuộc Điều tra khác. Do đó, công tác lập bảng kê địa bàn điều tra giữ vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến chất lượng và độ tin cậy của số liệu. Vì vậy, sau điều tra thí điểm, Tổng cục Thống kê đã xây dựng phương án hướng dẫn địa phương lập bảng kê mới đối với 51/63 tỉnh thực hiện cuộc Điều tra này.

Tổ chức tập huấn điều tra: Việc tập huấn được tiến hành 3 cấp: Tập huấn bảng kê, phiếu xã, phiếu hộ và phiếu thu nhập: Giảng viên cấp Trung ương tập huấn đội ngũ giảng viên cấp tỉnh về nội dung nghiệp vụ, quản lý và giám sát điều tra. Trong đó, tập huấn bảng kê và phiếu xã: Giảng viên cấp tỉnh tập huấn cho cán bộ lập bảng kê và giám sát viên, Giảng viên cấp Huyện tập huấn cho điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên; Tập huấn phiếu điều tra (phiếu hộ, phiếu thu nhập): Giảng viên cấp tỉnh tập huấn cho cấp huyện về nội dung và cách ghi phiếu điều tra cuối tháng 7. Giảng viên cấp huyện tập huấn cho Điều tra viên và tổ trưởng. Công tác tập huấn được thực hiện rất chu đáo. Các phương tiện và tài liệu cần thiết phục vụ công tác tập huấn đều được cung cấp đầy đủ, góp phần giúp cho đội ngũ cán bộ điều tra nắm vững về nghiệp vụ quản lý và điều tra, thực hiện đúng các quy trình và ghi phiếu bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ. Lập bảng kê số nhà, số hộ, số người trong cuộc Điều tra này không phân chia lại ranh giới địa bàn điều tra mà sử dụng dàn mẫu tổng thể của TĐTDS 2009. Nguyên tắc đầu tiên khi lập bảng kê địa bàn là phải xác định được đúng ranh giới địa lý của địa bàn trùng khớp với ranh giới địa bàn TĐTDS 2009. Nguyên tắc thứ hai là tất cả các hộ dân cư thực tế thường trú trên địa bàn đều phải được lập bảng kê. Để đảm bảo thực hiện tốt 2 nguyên tắc đó, Tổng cục Thống kê đã tập huấn kỹ nghiệp vụ này cho các giảng viên cấp tỉnh, đặc biệt luôn cử cán bộ có kỹ năng thường trực hỗ trợ giải đáp qua điện thoại mọi vướng mắc, khó khăn phát sinh liên quan đến công tác lập bảng kê của địa phương cũng như những thắc mắc về nội dung bảng hỏi.

Công tác hậu cần: Đảm bảo kinh phí là nhiệm vụ hàng đầu, quyết định hoạt động thông suốt ở mọi giai đoạn, mọi quá trình điều tra. Tổng cục Thống kê đã ban hành công văn hướng dẫn các Cục Thống kê tỉnh, thành phố sử dụng kinh phí nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ, đúng định mức, tiết kiệm và hiệu quả.

Công tác in và phân phối tài liệu: Do yêu cầu phải hoàn thành in và phân phối nhiều loại tài liệu khác nhau, chuyển giao đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng đến từng đơn vị cơ sở của các cấp, các ngành trong cả nước; đồng thời đáp ứng yêu cầu của công nghệ quét, Tổng cục Thống kê đã lựa chọn đơn vị in phù hợp yêu cầu của cuộc điều tra như phiếu điều tra được in bằng loại giấy tốt, đảm bảo độ xốp, độ dày, độ dai và kỹ thuật in phải chính xác.

Công tác tuyên truyền: Tổng cục Thống kê đã xây dựng một kế hoạch chi tiết tuyên truyền cho cuộc điều tra thông qua các ấn phẩm, bài viết trên các phương tiện truyền thông, báo viết và báo điện tử... nhằm tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, các cơ quan truyền thông và các tổ chức quần chúng bằng việc tạo ra sự hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng và mục đích của cuộc điều tra, đồng thời giúp người dân hiểu được ích lợi của cuộc điều tra, nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với cuộc điều tra.

Điều tra 53 DTTS áp dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông tin để xử lý nhập tin phiếu điều tra. Đây là công nghệ đã được Tổng cục Thống kê ứng dụng lần đầu tiên trong TĐTDS 2009, giúp rút ngắn thời gian xử lý và công bố số liệu chính thức, góp phần tạo nên thành công lớn của cuộc Tổng điều tra này. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này đòi hỏi việc tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật đặc biệt trong công tác thiết kế, xuất bản và bảo quản phiếu điều tra. Trong cuộc điều tra này, tất cả những điều kiện và yêu cầu kỹ thuật đặc biệt đó đều đã được tuân thủ đúng, đảm bảo cho việc áp dụng thành công công nghệ quét. Nhìn chung, đến nay về cơ bản mọi công tác chuẩn bị cho điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2015 đã hoàn tất và mọi lực lượng đã sẵn sàng cho cuộc điều tra.

Nguyễn Tuấn Anh (UBDT)