Hướng đến chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
10:00 PM 22/12/2022 | Lượt xem: 7000 In bài viết |Chuyển đổi số không chỉ được xem như một giải pháp để thích ứng với tình hình thực tế mà còn là hướng phát triển mới, phù hợp với xu thế hiện nay và tất nhiên việc phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cũng không thể đứng ngoài xu thế này.
Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, Lâm Đồng là địa bàn có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh. Theo Quyết định số 33, ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025, hiện nay, Lâm Đồng có 78/124 xã, thị trấn, 478/1.376 thôn là vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Những năm qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển. Công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực công tác dân tộc cũng như trong vùng DTTS rất hạn chế. Trong công tác dân tộc, lĩnh vực xây dựng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc liên quan đến an sinh là chính, còn CNTT chưa được đầu tư nhiều nên việc ứng dụng CNTT đã khó khăn và việc chuyển đổi số lại càng khó khăn hơn.
Năm 2019, Chính phủ đã ban hành quyết định 414 về phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”. Nhằm triển khai thực hiện quyết định này, Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch thực hiện với các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin; nâng cấp công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào DTTS; xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông cho người làm công tác dân tộc.
Lâm Đồng xác định mục tiêu đến năm 2023 sẽ thiết lập được hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh trật tự. Từng bước kết nối và chia sẻ thông tin với hệ thống của Uỷ ban dân tộc và các địa phương. Đến cuối năm 2023 có 95% người uy tín, 90% đồng bào DTTS nắm chắc các nội dung trên; 70% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường; 80% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng, chống các bệnh đặc thù.
Bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS, đảm bảo 70% các lễ hội, phong tục tập quán của các DTTS được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hoá, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin về công tác dân tộc bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin. Xây dựng thư viện điện tử về công tác dân tộc...
Cũng theo Ban Dân tộc tỉnh, Lâm Đồng đã bước đầu xây dựng và đang hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, Lâm Đồng đang tiến hành xây dựng diễn đàn công tác dân tộc và bộ công cụ trực tuyến chuyển đổi ngôn ngữ sang tiếng K’Ho và Churu để góp phần vào thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo. Đây là bước khởi đầu cho việc ứng dụng CNTT và tiến tới chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc. Bên cạnh đó, việc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện đẩy mạnh ứng dụng CNTT tiến tới xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số cũng đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ này. Mạng truyền dẫn cáp quang đến 100% trung tâm tỉnh, huyện, xã. Mạng di động phủ sóng 100% địa bàn tỉnh, dịch vụ điện thoại cố định và internet tốc độ cao phát triển đến tất cả các xã và đã thay thế hệ thống cáp đồng; hạ tầng CNTT các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã cơ bản đảm bảo việc quản lý và điều hành qua môi trường mạng; 100% cơ quan, đơn vị có đủ trang thiết bị làm việc và hệ thống mạng LAN kết nối mạng internet cáp quang tốc độ cao; các đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ yếu triển khai các cơ sở dữ liệu theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương để phục vụ phát triển chính quyền, phục vụ Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội... là những con số biết nói chứng minh sự phát triển của CNTT trong đời sống nói chung, trong đó có cả đời sống bà con vùng đồng bào DTTS.
Để việc chuyển đổi số trong vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, công nghệ số cần bám sát vào đời sống bà con thông qua các hoạt động thiết thực như: Chính quyền có thể giao tiếp với người dân qua Zalo, cung cấp dịch vụ trực tuyến, đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh; cài đặt các hệ thống cảm biến, camera theo dõi các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội... để có thông tin trực tuyến...
(baolamdong.vn)