Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Đã đến lúc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác dân tộc

11:00 AM 11/10/2022 |   Lượt xem: 5720 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại sự kiện

Chiều 10/10, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc diễn ra sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) và Lễ khởi động Cổng dịch vụ công trực tuyến (giai đoạn 1) của Ủy ban Dân tộc.

Chuyển đổi số đòi hỏi nhận thức đúng, quyết tâm cao

Phát biểu tại sự kiện, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Ủy ban Dân tộc đề cập những khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi số, khẳng định để chuyển đổi số thành công cần có sự chung tay, sự quyết tâm, sẵn sàng chuyển đổi của tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động của Ủy ban Dân tộc.

Về câu hỏi bao giờ thì cần chuyển đổi số, đồng chí Hầu A Lềnh cho rằng thời điểm hiện tại chính là lúc cần thực hiện chuyển đổi vì chưa khủng hoảng, phải đón trước thời cơ, nếu chờ khủng hoảng rồi mới chuyển đổi thì sẽ bị đi sau nhiều bước và đánh mất cơ hội.

“Quá trình chuyển đổi số sẽ rất khó khăn, nhưng nếu có nhận thức đúng, hành động đúng và quyết tâm cao, có sự ủng hộ và biết lắng nghe thì sẽ chuyển đổi số thành công”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh.

Đồng chí nêu một số vấn đề cần lưu tâm khi thực hiện chuyển đổi số, bao gồm đánh giá, rà soát lại đầy đủ tất cả những điều kiện cần thiết nhất cho chuyển đổi số của công tác dân tộc và chính sách dân tộc để xác định đang có gì, thiếu gì và cần phải làm gì.

Ngoài ra, các đơn vị của Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ cần phải tự chuyển đổi trước, phải có quyết tâm cao và làm đến cùng bất chấp khó khăn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên thông, kết nối, đồng bộ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, đồng chí Hầu A Lềnh đề nghị trong quá trình tham mưu, tổ chức thực hiện, các cơ quan tư vấn, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan phải tính đến các yếu tố này, bảo đảm liên thông không chỉ trong nội bộ Ủy ban Dân tộc, nội bộ ngành, mà còn liên thông với các ngành khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn công nghệ để Ủy ban Dân tộc có phương hướng, giải pháp chuyển đổi số hợp lý, hiệu quả trong thời gian tới.

Chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề công nghệ

Chia sẻ một số nội dung chung quanh vấn đề chuyển đổi số, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Khắc Lịch nêu rõ chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Chuyển đổi số bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề công nghệ số, mà còn là vấn đề nhận thức, thay đổi thói quen để chấp nhận cái mới.

“Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về tư duy, thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”, đồng chí Nguyễn Khắc Lịch nói, đồng thời nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc thúc đẩy, quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số tại đơn vị.

Đồng chí cho biết, chính quyền điện tử bao gồm bốn “Không”: Họp không gặp mặt trực tiếp; Xử lý văn bản không giấy; Giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc với người dân; Thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt.

Chính quyền số là chính quyền điện tử kèm theo bốn “Có”: Có hoạt động an toàn trên môi trường số; Có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số; Có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn; Có khả năng giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế-xã hội.

Trong khi đó, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên internet.

Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng giới thiệu một số nền tảng nhằm giúp Ủy ban Dân tộc có những lựa chọn nền tảng số phù hợp để phục vụ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Lễ khởi động Cổng dịch vụ công trực tuyến (giai đoạn 1) của Ủy ban Dân tộc.

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra lễ khởi động Cổng dịch vụ công trực tuyến (giai đoạn 1) của Ủy ban Dân tộc. Đây là một hệ thống thống nhất gồm 2 hợp phần: hợp phần giao tiếp với người dân (cổng dịch vụ công) và hợp phần xử lý nghiệp vụ của cán bộ, công chức (hệ thống thông tin một cửa điện tử).

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ, nhận kết quả của tổ chức cá nhân, đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của Ủy ban Dân tộc hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2022, kết nối toàn diện với cổng dịch vụ công quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

(nhandan.vn)