Chỉ thị số 216-CT/TW ngày 30/1/1975 của Ban Bí thư về chính sách cán bộ miền núi

03:22 PM 31/10/2015 |   Lượt xem: 3898 |   In bài viết | 

Trong quá trình lãnh đạo cách Việt Nam, Đảng ta đã nhận thức rất sớm vị trí của miền núi và của vấn đề dân tộc trong sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Với quan điểm giai cấp, quan điểm dân tộc đúng đắn, Đảng ta đã ra sức xây dựng cơ sở quần chúng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ miền núi không ngừng lớn mạnh.

Đến nay, tất cả các xã, các dân tộc thiểu số ở miền núi đều đã có cơ sở Đảng với trên 12 vạn đảng viên, chiếm 3,6% dân số. Đội ngũ cán bộ các dân tộc đã phát triển và từng bước trưởng thành. Anh chị em tin tưởng ở Đảng, gắn bó chặt chẽ với quần chúng. Trong các tỉnh ủy, huyện ủy có trên 50%; trong các Ủy ban hành chính tỉnh, huyện có trên 70% là người dân tộc thiểu số. Cán bộ chuyên môn, kỹ thuật người dân tộc đã có gần I vạn từ trình độ sơ cấp đến trình độ trên đại học. Vì sự nghiệp cách mạng chung, hàng vạn cán bộ miền xuôi đã lên công tác ở miền núi, bao gồm đủ các loại, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Anh chị em đều tận tụy hy sinh, tích lũy được kinh nghiệm và đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp cách mạng ở miền núi. Có đội ngũ cán bộ như vậy là thành quả to lớn của phong trào cách mạng, là nhân tố rất quan trọng bảo đảm cho sự phát triển mọi mặt của miền núi.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ hiện có chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ dân tộc thiểu số còn ít, lại phân bố không đều trong các vùng, các dân tộc, trình độ còn thấp về nhiều mặt. Có nơi giữa cán bộ dân tộc, giữa cán bộ Kinh và cán bộ dân tộc, giữa cán bộ dân tộc đông và cán bộ dân tộc ít người chưa đoàn kết tốt. Trong công tác cán bộ, việc vận dụng đường lối, quan điểm của Đảng còn lúng túng hoặc có lệch lạc, việc sắp xếp, sử dụng cán bộ chưa thật hợp lý, việc đào tạo bồi dưỡng chưa đầy đủ, chưa thật sát hợp, một số chính sách, chế độ chưa phù hợp với đặc điểm miền núi.

Chấp hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23 của trung ương Đảng và Nghị quyết 225 của Bộ chính trị, các cấp, các ngành cần nắm vững và thực hiện đầy đủ chủ trương sau đây:

1. Nhiệm vụ, phương hướng xây dựng đội ngũ cán bộ miền núi.

a) Miền núi chiếm 2 phần 3 diện tích miền Bắc, với gần ba nghìn kilomet biên giới, có tài nguyên tiềm tàng phong phú, là nơi sinh sống của trên 30 dân tộc với 5 triệu nhân khẩu (trong đó có hơn 3 triệu người dân tộc thiểu số). Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền núi- với ưu thế về tài nguyên khoáng sản, về nghề rừng, về khả năng chăn nuôi, trồng cây công nghiệp- ngày càng phát huy tác dụng to lớn. Phải tăng cường đoàn kết nhân dân các dân tộc, điều chỉnh lực lượng lao động từ miền xuôi lên miền núi, nhằm phát huy những thế mạnh của miền núi, xây dựng những vùng kinh tế mới, đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, làm cho miền núi giàu có về kinh tế, vững mạnh về chính trị và quốc phòng, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc tiến bộ không ngừng. Trên cơ sở đó mà thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, làm cho dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số, giữa các dân tộc thiểu số với nhau, đoàn kết chặt chẽ, bình đẳng, thương yêu và giúp đỡ nhau, chung sức phục vụ Tổ quốc Việt Nam thống nhất và giàu mạnh.

Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị to lớn đó, một trong những khâu then chốt là phải xây dựng đội ngũ cán bộ miền núi vững mạnh. Phải xây dựng, rèn luyện một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý đủ phẩm chất và năng lực, trung thành với Đảng, gắn bó với quần chúng các dân tộc, có trình độ kiến thức các mặt ngày một nâng cao, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ to lớn ở miền núi. Lại phải xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật đông đảo, có cơ cấu phù hợp với yêu cầu, phương hướng phát triển kinh tế và văn hóa miền núi, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ ba cuộc cách mạng (cách mạng về quan hệ sản sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa) ở miền núi.

b) Phải coi trọng cả hai loại cán bộ dân tộc thiểu số và cán bộ Kinh, kết hợp tốt và đoàn kết tốt hai lực lượng ấy trong một đội ngũ thống nhất phục vụ sự nghiệp cách mạng của miền núi và của cả nước.

Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp chung của nhân dân, cách mạng miền núi là bộ phận khăng khít trong sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, của cả dân tộc Việt Nam. Phải có đội ngũ cán bộ đông đảo bao gồm đủ các dân tộc thì mới phát động được nhân dân các dân tộc, thể hiện trên thực tế sự bình đẳng về chính trị và thiết thực tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc. Chú trọng xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán vững về chính trị, tuyệt đối trung thành và chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, có năng lực lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. Trước nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa rất lớn của miền núi, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục bổ sung và tăng cường lực lượng lao động và cán bộ cho miền núi .

Đối với cán bộ Kinh đang hoạt động ở miền núi, một mặt vẫn cần thiết đưa những đồng chí có phẩm chất và năng lực vào cấp ủy và Ủy ban hành chính để cùng với cán bộ các dân tộc khác lãnh đạo chung, mặt khác phải rất chú trọng bồi dưỡng, phát huy khả năng của cán bộ Kinh vào các mặt công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.

Cán bộ dân tộc và cán bộ Kinh đều phải nắm vững chính sách dân tộc của Đảng và tăng cường đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Cán bộ miền xuôi lên phải xuất phát từ thực tế, tình hình miền núi, tránh máy móc, rập khuôn, chống bệnh chủ quan, ngăn ngừa đầu óc "dân tộc lớn". Cán bộ người dân tộc cần cố gắng vươn lên để làm tròn nhiệm vụ, tiến kịp với yêu cầu của cách mạng, chống tự ti, cục bộ, ngăn ngừa những biểu hiện "dân tộc hẹp hòi". Những biểu hiện đầu óc "dân tộc lớn" hoặc "dân tộc hẹp hòi" đều là "kỳ thị dân tộc", hoàn toàn xa lạ với tư tưởng và chính sách của Đảng.

Các chính sách, chế độ phải thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với tất cả cán bộ và nhân viên làm nhiệm vụ ở miền núi.

c) Tiêu chuẩn cán bộ ở miền núi hoặc ở miền xuôi đều phải theo đúng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23 của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết 225 của Bộ chính trị. Nhưng quan niệm về tiêu chuẩn cán bộ không thể tách rời nhiệm vụ chính trị cụ thể và phong trào quần chúng từng nơi. Cán bộ này sinh từ quần chúng, từ phong trào; sự trưởng thành của cán bộ không thể thoát ly sự trưởng thành của mỗi dân tộc, của phong trào quần chúng ở địa phương. Dân tộc nào cũng cần có cán bộ của dân tộc đó, vì vậy không thể so sánh một cách máy móc cán bộ người dân tộc này với cán bộ người dân tộc khác. Điều quan trọng là phải bảo đảm lựa chọn được những người ưu tú, có phẩm chất, có năng lực trong quần chúng từng dân tộc và kiên nhẫn sử dụng, bồi dưỡng.

Cần giải quyết đúng mối quan hệ tiêu chuẩn với cơ cấu thành phần dân tộc, tùy theo từng loại tổ chức khác nhau mà có cơ cấu thích hợp.

Khi bố trí, kiện toàn một cấp ủy Đảng, phải lấy tiêu chuẩn làm chính, phải chọn những đồng chí có phẩm chất và năng lực cao nhất trong một đảng bộ. Trong Đảng, cần nhận rõ mỗi đảng viên đều là chiến sĩ tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân, phải đại biểu chung cho nhân dân tất cả các dân tộc, chứ không phải đảng viên, cấp ủy viên người dân tộc nào là đại biểu riêng cho dân tộc đó. Đồng thời, trong việc xây dựng các cấp ủy Đảng, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, phải chú ý thích đáng cơ cấu thành phần dân tộc để bảo đảm mối liên hệ với quần chúng và nắm chắc tình hình thực tế các dân tộc.

Trong các cơ quan chính quyền, đoàn thể quần chúng (như Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính, Ban quản trị hợp tác xã, Ban chấp hành các đoàn thể ...) thì các dân tộc, cần có đại diện của mình, tùy điều kiện cụ thể mà có đại diện cấp thôn, xã hoặc ở những cấp trên nữa.

Trong các cơ quan quản lý chuyên môn, nghiệp vụ (các ty, các phòng ...), điều quan trọng là sử dụng những người có năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ. Ở một số cơ quan có liên quan hàng ngày với quần chúng (như giáo dục, y tế, kiểm sát, tòa án ...), cần chú ý bố trí thích đáng các cán bộ quản lý, cán bộ chỉ đạo là người dân tộc.

Phải chăm lo thiết thực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc để có nguồn dồi dào với chất lượng cao cho việc bố trí, đề bạt, tránh đề bạt một cách gượng ép, hình thức.

2. Về việc sắp xếp, kiện toàn cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

a) Đội ngũ cán bộ ở miền núi, mặc dù còn nhược điểm, nhìn chung đã phát triển và trưởng thành. Nhưng lực lượng ấy chưa được sử dụng hợp lý, tình trạng lãng phí còn nhiều. Vì vậy, vấn đề quan trọng đầu tiên trong công tác cán bộ ở miền núi là phải sắp xếp, sử dụng hợp lý lực lượng cán bộ hiện có, phát huy đến mức cao nhất khả năng của đội ngũ ấy.

Mỗi địa phương cần soát lại đội ngũ cán bộ của mình, tìm ra những khuyết điểm trong việc phân bố và sử dụng từ trước đến nay, phát hiện những cán bộ ưu tú, qua thử thách thực tiễn, tỏ rõ có phẩm chất và có năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Cần kiện toàn cán bộ cho cấp huyện và cơ sở, cho các vùng biên giới, vùng kinh tế mới và những ngành kinh tế trọng yếu của địa phương. Phải biết tận dụng lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật hiện có, đưa số đông xuống các cơ sở sản xuất và xây dựng, tạo điều kiện cho họ được rèn luyện và trưởng thành. Lựa chọn một số cán bộ có trình độ khoa học, kỹ thuật đã qua thử thách để tăng cường các cơ quan quản lý, cơ quan lãnh đạo.

Đối với cán bộ người dân tộc, phải biết bố trí đúng chỗ, đúng việc, phù hợp với năng lực và sở trường của anh chị em; phải khéo kết hợp cán bộ dân tộc với cán bộ Kinh tế để bổ sung cho nhau, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.

b) Đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho miền núi là một việc rất trọng yếu và cấp bách.

Đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, phải chú trọng nâng cao trình độ văn hóa, trên cơ sở đó đẩy mạnh giáo dục lý luận, chính trị và kiến thức quản lý kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ.

Tổ chức tốt việc học tập văn hóa tại chức ở các cơ quan, đặc biệt chú trọng tổ chức việc học cho cán bộ xã, hợp tác xã, với những hình thức thích hợp với điều kiện địa dư miền núi. Xây dựng và củng cố trường phổ thông lao động ở huyện, ở tỉnh; kiên quyết đưa cán bộ đi học theo đúng đối tượng quy định. Phấn đấu trong 5 năm (1976-1980), thấp nhất thì số đông cán bộ chủ chốt xã, hợp tác xã vùng cao cũng phải học xong cấp I, vùng thấp có trình độ hết cấp II, còn số đông cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện trở lên học xong lớp 7 và tiếp tục học cao hơn nữa.

Trường Đảng của Trung ương chịu trách nhiệm bồi dưỡng và đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt các huyện miền núi. Kiện toàn trường Đảng Việt Bắc và Tây Bắc để đào tạo, bồi dưỡng các huyện ủy viên và tương đương. Kiện toàn các trường Đảng tỉnh, huyện, nhất là cần có nội dung, chương trình cho sát trình độ cán bộ và nhiệm vụ chính trị của miền núi.

Các trường quản lý ngành cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cho miền núi, nếu có điều kiện thì mở lớp riêng.

Biên chế của các tỉnh, huyện miền núi được rộng hơn nơi khác để có điều kiện kèm cặp đào tạo và luân phiên đi học.

Chọn lựa số cán bộ, chiến sĩ quân đội chuyển ngành, thanh niên xung phong, công nhân xí nghiệp, lâm trường ... là người ở miền núi, đã qua rèn luyện, đưa đi đào tạo ở các trường Đảng và trường quản lý của các ngành.

Đối với số cán bộ khoa học, kỹ thuật hiện đang công tác ở miền núi, các ngành trung ương cần ưu tiên lựa chọn đi học bổ túc, luân huấn, đi tham quan những điển hình tốt... tạo điều kiện cho anh chị em được nâng cao về kiến thức. Đồng thời đẩy mạnh việc đào tạo mới, chú trọng những ngành: lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn, thủy lợi, địa chất, sư phạm, y tế, thương nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng...

Các Bộ ngành có trách nhiệm kiện toàn trường đại học và trường trung cấp ở miền núi về trang bị vật chất, kỹ thuật, về chương trình và thầy dạy. Ở những trường này, cần có hệ dự bị. Cần quản lý số học sinh phổ thông cấp II và cấp III, nhất là thuộc dân tộc ít người, tạo mọi điều kiện để thu hút các em vào trường đại học, trung học miền núi đến mức nhiều nhất. Phải có quy chế tuyển sinh riêng đối với các trường miền núi cho thích hợp với nguồn học sinh ở đó. Các trường đại học của trung ương phải chú ý thu hút vào các lớp dự bị số học sinh miền núi có đủ tiêu chuẩn.

Để chuẩn bị nguồn cán bộ cho miền núi, cần đẩy mạnh giáo dục phổ thông, kiện toàn trường bổ túc văn hóa công nông, phát triển trường thiếu nhi vùng cao xuống từng khu vực trong từng huyện, các trường thanh niên dân tộc vừa học, vừa làm ở các huyện và tỉnh; tăng cường cơ sở vật chất của trường và có trợ cấp cần thiết để các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Các Ban tổ chức, Ban tuyên huấn, Ban khoa học-giáo dục, Ban dân tộc trung ương cần cùng Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ giáo dục bàn bạc biện pháp cụ thể, quy định các thủ tục cần thiết để thực hiện chủ trương nói trên.

c) Cần tăng cường quản lý cán bộ dân tộc thiểu số, nhất là đối với cán bộ dân tộc ở vùng cao, nhằm tìm hiểu, nắm chắc số cán bộ này, có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cho thích hợp. Ban tổ chức và Ban dân tộc trung ương phải cùng với từng tỉnh ủy nắm lại tình hình đội ngũ cán bộ thuộc các dân tộc Mèo, Dao, Hán,... kể từ huyện ủy viên và cán bộ trung cấp, đại học trở lên, cần đánh giá rõ phẩm chất, năng lực và triển vọng của anh chị em và có biện pháp bồi dưỡng đào tạo cốt cán thuộc những dân tộc ấy. Khi sắp xếp, thay đổi công tác của số cán bộ cốt cán thuộc các dân tộc này, tỉnh ủy cần trao đổi ý kiến với Ban tổ chức và Ban dân tộc trung ương. Về phần mình, nếu xét cần thiết, tỉnh ủy cũng có thể quản lý sâu xuống một số loại cán bộ thuộc một số dân tộc nào đó trong địa phương.

3. Sửa đổi và bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ miền núi.

a) Căn cứ vào yêu cầu, đặc điểm công tác ở miền núi và thực tế tình hình đội ngũ cán bộ của ta, để việc điều động cán bộ miền xuôi lên miền núi được thuận lợi và làm cho anh chị em yên tâm, tích cực công tác, cần kết hợp giải quyết cả mấy mặt: giáo dục tư tưởng, xác định việc xây dựng miền núi là nghĩa vụ chung của cả nước, có chính sách, chế độ săn sóc đời sống, sức khỏe của anh chị em chu đáo hơn, có kế hoạch thay đổi cán bộ miền xuôi hoạt động ở miền núi trong một chừng mực cần thiết, có thể làm được ngay.

Đồng thời cần khuyến khích, động viên cán bộ yên tâm phục vụ lâu dài ở miền núi. Đối với những cán bộ tự nguyện ở lại miền núi hoạt động lâu dài, cần tạo mọi điều kiện sinh hoạt thuận tiện như di chuyển gia đình, thu xếp công ăn việc làm và đời sống cho vợ con.

b) Phải quan tâm săn sóc đời sống, sức khỏe của cán bộ, công nhân, thích hợp với đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội từng vùng ở miền núi, và thích hợp với điều kiện thực tế hiện nay cho phép.

Trong vấn đề tiền lương, cần xem lại việc phân loại tỉnh, huyện, việc xác định khu vực và phụ cấp khu vực, nghiên cứu vấn đề phụ cấp thâm niên công tác. Cải tiến việc cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác; tùy khả năng cho phép mà nâng tiêu chuẩn cao hơn với miền xuôi, trước hết đối với cán bộ, công nhân vùng cao. Nghiên cứu bổ sung chế độ chữa bệnh, nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe, độ tuổi hưởng chế độ hưu trí, thích hợp với từng vùng. Cải thiện điều kiện giao thông đi lại. Có chế độ khen thưởng đối với cán bộ ở các địa phương khác đến công tác lâu năm ở các tỉnh miền núi mà hoàn thành tốt nhiệm vụ.

* * *

Các tỉnh ủy miền núi căn cứ vào chỉ thị này, kiểm điểm công việc làm và có biện pháp tăng cường công tác cán bộ. Các ngành ở trung ương có kế hoạch, biện pháp đáp ứng tốt yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, phân phối cán bộ cho miền núi và tùy theo chức năng của mình mà xem xét sửa đổi những chế độ, chính sách kể trên. Ban tổ chức trung ương và Ban dân tộc trung ương chịu trách nhiệm theo dõi chung tình hình thực hiện chỉ thị này và 6 tháng một lần gửi báo cáo Ban bí thư biết kết quả.

T/M BAN BÍ THƯ

Đã ký: LÊ VĂN LƯƠNG