Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng
08:45 PM 10/05/2023 | Lượt xem: 7552 In bài viết |Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, ngày 10/5, tại tỉnh Cao Bằng, đoàn công tác Chính phủ do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng.
Tham gia Đoàn công tác có đại diện các bộ, ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc UBDT.
Về phía tỉnh Cao Bằng, tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Trần Hồng Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Triệu Đình Lê - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của tỉnh Cao Bằng, trong nửa đầu nhiệm kỳ giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù tình hình thế giới cũng như trong nước liên tục biến động phức tạp, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH) nhưng các cấp, các ngành của tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ hằng năm về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách; Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và các năm 2021, 2022, 2023; tập trung triển khai 3 nội dung đột phá và 3 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ.
KT-XH của tỉnh tiếp tục phát triển; triển khai nhiều đề án, mô hình trong nông nghiệp, nông thôn, hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn có nhiều đổi mới. Lĩnh vực du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Thu ngân sách tăng khá. Các dự án trọng điểm, dự án phát triển đô thị được đẩy mạnh. Giáo dục - đào tạo được chú trọng phát triển, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được cải thiện; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của tỉnh diễn ra sôi nổi; công tác chăm lo các đối tượng chính sách, giảm nghèo luôn được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện và đạt kết quả khá tốt; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung chỉ đạo thực hiện; an ninh trật tự, an toàn xã hội được tăng cường, cơ bản đã kiềm chế được tội phạm và các tai nạn, tệ nạn xã hội; quốc phòng - an ninh được giữ vững, ổn định.
Giai đoạn từ 2021 - 2023, tổng sản phẩm (GRDP) tăng trưởng bình quân 5,46%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 12,34%/năm. Đến thời điểm hiện tại, một số chỉ tiêu phát triển KT-XH chính đã đạt và vượt so với kế hoạch giao của cả giai đoạn 2021 - 2025, như: Thu ngân sách nhà nước; giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên 1 đơn vị diện tích (ha); chỉ tiêu về giáo dục đào tạo, giảm nghèo... Bên cạnh đó, có 1 số chỉ tiêu đạt thấp, như tốc độ tăng GRDP, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội...
Về triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Đến thời điểm hiện nay, 10/10 huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, 100% các xã đã thành lập Ban Quản lý xã để thực hiện các dự án trên địa bàn. UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thực hiện 3 Chương trình MTQG giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và hằng năm để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện.
Căn cứ quy định của Trung ương, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG tại địa phương. Đến thời điểm hiện nay, các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Tổng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện các Chương trình MTQG là 4.959.596 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương: 4.706.217 triệu đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh: 253.379 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, KT-XH của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Tăng trưởng kinh tế thấp; một số chỉ tiêu phát triển KT-XH chất lượng chưa cao, thiếu bền vững. Sản xuất nông, lâm nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh trong chăn nuôi diễn biến phức tạp; công tác trồng rừng có chuyển biến tích cực nhưng giá trị vẫn còn thấp; tổ chức sản xuất hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo. Sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng một số dự án thủy điện còn chậm, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao.
Một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn trong và ngoài ngân sách triển khai còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa có sự chuyển biến tích cực. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS còn thiếu thốn; chất lượng khám chữa bệnh ở một số cơ sở y tế chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân; phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tình hình an ninh trật tự xã hội còn tiềm ẩn một số vấn đề phức tạp.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, tỉnh Cao Bằng và Đoàn công tác đã chia sẻ, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thể chế, giải ngân vốn đầu tư công và các nội dung cụ thể liên quan đến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư; việc cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình, dự án đầu tư Dự án chiếm tỷ trọng vốn lớn trong kế hoạch đầu tư công năm 2023 nhưng chưa đủ điều kiện phân bổ vốn chi tiết; công tác lập quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; vướng mắc liên quan đến quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG; việc thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát...
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh cảm ơn Đoàn công tác đã dành sự quan tâm, có những chia sẻ, định hướng phát triển của tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới. Thông tin thêm về tình hình phát triển KT-XH, chia sẻ những khó khăn đặc thù của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và thành viên Đoàn công tác quan tâm tham mưu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho tỉnh, nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH, nỗ lực của tỉnh Cao Bằng trong việc chăm lo cho đời sống Nhân dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, biên giới trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh về các nội dung làm việc với đoàn công tác.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết đoàn công tác sẽ tiếp thu những ý kiến kiến nghị của tỉnh để tổng hợp, tham mưu, tháo gỡ kịp thời. Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra; tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đánh giá rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan liên quan đến thể chế; phối hợp với các bộ, ngành rà soát, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã thông tin về việc triển khai công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi ở cấp Trung ương. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, hiện nay UBDT đang phối hợp với các bộ, ngành sửa các Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn tỉnh quan tâm, đẩy nhanh tiến độ công tác cho ý kiến vào các dự thảo thông tư, bám sát văn bản để triển khai thực hiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng giải đáp về những khó khăn, vướng mắc cụ thể của tỉnh liên quan đến quá trình triển khai thực hiện công tác dân tộc nói chung, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đánh giá giữa kỳ... để đạt được các mục tiêu đề ra.