Công tác dân tộc thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
01:50 PM 12/11/2019 | Lượt xem: 4211 In bài viết |Bình Phước là một tỉnh miền núi, với 40 DTTS sinh sống, chiếm gần 20% số dân toàn tỉnh. Trong đó, có dân tộc X’tiêng, Mnông, Khmer, là các dân tộc sinh sống lâu đời tại địa phương; còn lại, đồng bào di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc sống đan xen ở 107/ 111 xã, phường, thị trấn.
Ông Phước Ma Ly Phước, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết: Hiện nay, tình trạng hộ nghèo, đời sống khó khăn trong vùng đồng bào DTTS còn khá cao. Nguyên nhân là do tập tục canh tác lạc hậu, sinh nhiều con; gia đình người già neo đơn, thiếu vốn, thiếu lao động.... Đặc biệt, lo ngại nhất là tình trạng mua bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất ở, đất sản xuất trong vùng DTTS vẫn còn diễn biến phức tạp, khiến nông dân không còn hoặc thiếu đất sản xuất.
Xác định được nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, tỉnh Bình Phước đã xây dựng các nhóm giải pháp giúp người dân xóa nghèo bền vững. Cụ thể, các Sở ngành chức năng và chính quyền các cấp thường xuyên thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học phục vụ công tác dân tộc, với nhiều đề tài, dự án áp dụng thành công ở vùng DTTS...
Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã phân bổ cho các huyện hơn 50 tỷ đồng cho 10 xã và 51 thôn để đầu tư đường giao thông, công trình thủy lợi, điện sinh hoạt, sửa chữa nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch; hỗ trợ con giống, nông cụ, phân bón; xây dựng đập thủy lợi cho dự án định canh, định cư... để phát triển sản xuất.
Ngoài ra, các cấp, các ngành, hội đoàn thể cũng hỗ trợ vật tư thiết yếu như: Phân hữu cơ vi sinh; thuốc trừ cỏ, trừ sâu, trừ bệnh… cho các hộ đồng bào DTTS có vườn điều già cỗi cho năng suất thấp. Vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế những cây trồng, giống cũ kém hiệu quả. Nhờ đó, đời sống người dân ở các xã, thôn, buôn ÐBKK ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm dần theo từng năm. Theo đó, đầu năm 2016, toàn tỉnh có 6.490 hộ nghèo là đồng bào DTTS, chiếm 15,30% trên tổng số hộ DTTS trên địa bàn. Tính đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh giảm được khoảng 1.140 hộ nghèo DTTS.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ học sinh DTTS là con hộ nghèo, học bán trú, sinh sống ở khu vực ĐBKK được bảo đảm, hằng năm tạo điều kiện cho hơn 10.000 học sinh là con hộ nghèo vùng ĐBKK có điều kiện đến trường. Ngoài ra, tỉnh Bình Phước còn có chính sách hỗ trợ học tập riêng, với số kinh phí 3 tỷ đồng cho 1.910 sinh viên DTTS học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục quốc dân; thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, bằng nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, phục dựng lễ hội cổ truyền dân tộc, trang phục, ẩm thực, âm nhạc, chữ viết của đồng bào DTTS tại chỗ, xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X’tiêng ở huyện Bù Đăng…
Hằng năm, tỉnh triển khai cấp hơn 100 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào nghèo, sinh sống ở địa bàn ĐBKK, gắn với việc phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh, giữ gìn sức khỏe.
Đối với công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, sử dụng, đãi ngộ cán bộ DTTS. Đến nay, toàn tỉnh có 2.168 đảng viên, 1.925 cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh là người DTTS. Đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn được củng cố và phát huy vai trò, với 351 người có uy tín, 140 già làng tiêu biểu, xuất sắc…
Có thể nói, công tác dân tộc được thực hiện tốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Phước, nhất là trong việc nâng cao đời sống của nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS. Tỉnh Bình Phước dự kiến tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ hơn.