Tăng cường cán bộ đến vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS là thực sự cần thiết
05:38 AM 12/11/2015 | Lượt xem: 1553 In bài viết |Ngày 12/11, tại thành phố Thanh Hóa, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg ngày 13/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cán bộ, công chức có thời hạn về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Lê Sơn Hải dự và chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; đại diện Ban Tổ chức Trung ương và 17 địa phương thực hiện Quyết định 56.
Quyết định 56/2006/QĐ-TTg được ban hành ngày 13/03/2006 nhằm tăng cường cán bộ, công chức về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào DTTS để tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương; đồng thời tạo môi trường để cán bộ, công chức được tôi luyện về phẩm chất chính trị, kỹ năng chỉ đạo, điều hành và bổ sung kinh nghiệm thực tiễn tại cơ sở.
Theo dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 56 do đồng chí Nguyễn Văn Xuân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ trình bày tại Hội nghị, tính đến thời điểm tháng 6/2014 đã có tổng số 1.180 cán bộ, công chức được tăng cường về 58 huyện, 530 xã trọng điểm vùng đồng bào DTTS, trong đó số tăng cường về cấp huyện là 128 người, cấp xã là 1.052 người. Nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức tăng cường về cơ sở đã nắm vững chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác dân tộc, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào vùng DTTS.
Qua đánh giá, xếp loại công chức, tỷ lệ cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt trên 95%, tỷ lệ cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ đạt trên 14%, không có cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ và vi phạm kỷ luật.
Để có được kết quả đó là nhờ các cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động xây dựng các chính sách ưu đãi hỗ trợ cán bộ, công chức đi tăng cường; các chính sách thu hút sinh viên mới tốt nghiệp ra trường về phục vụ các xã khó khăn vùng đồng bào DTTS, đồng thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ đồng bào DTTS góp phần cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Tại các địa phương có cán bộ, công chức đến tăng cường đã có sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đẩy mạnh phát triển sản xuất góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên…
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo, đồng thời, đại diện các tỉnh cũng đã báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành; kết quả thực hiện quyết định và những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện Quyết định 56/2006 tại địa phương mình. Các đại biểu kiến nghị, đề nghị với Chính phủ, UBDT trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ ở các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; rà soát các chương trình, tăng cường cán bộ để đảm bảo thống nhất, tránh sự trùng lặp, chồng chéo; có chính sách đãi ngộ phù hợp để cán bộ tăng cường đi cơ sở yên tâm công tác. Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo và quy hoạch cán bộ nguồn cho cơ sở, nhất là ở cấp xã; hỗ trợ bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất đối với các địa phương trọng điểm chưa cân đối được ngân sách, trong đó có việc xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường về cơ sở…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đánh giá cao những ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự. Qua kết quả thực tế ở các địa phương đã triển khai thực hiện Quyết định, Thứ trưởng khẳng định chủ trương tăng cường cán bộ đến vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS là đúng đắn và thực sự cần thiết.
Để việc triển khai thực hiện Quyết định tiếp tục đạt hiệu quả cao, Thứ trưởng cho rằng việc xây dựng chính sách cho các cán bộ, công chức được tăng cường cần phải có sự hài hòa; đồng thời cần xây dựng các tiêu chí xác định địa bàn được tăng cường cán bộ phù hợp; cần có sự phối hợp giữa UBDT và Bộ Nội vụ trong việc rà soát, lồng ghép các chính sách để tránh tình trạng chồng chéo; quan tâm đến công tác chuẩn bị đào tạo cho các cán bộ trước khi đi tăng cường và bố trí vị trí công tác cho cán bộ sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ; tiếp tục rà soát việc triển khai thực hiện quyết định để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay…
Ngọc Ánh