Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững
02:41 AM 15/10/2015 | Lượt xem: 1752 In bài viết |Ngày 14/10, Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc (UBDT) do Tiến sĩ Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT làm trưởng Đoàn đã đến thăm và đánh giá hiệu quả các mô hình chăn nuôi gia cầm thuộc Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình”. Dự án do Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vĩ, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc UBDT làm Chủ nhiệm.
Tham gia Đoàn công tác có các thành viên Hội đồng nghiệm thu Dự án; đại diện một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT cùng đại diện lãnh đạo và một số phòng, ban thuộc UBND huyện Kim Bôi.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình” nằm trong Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015” được tiến hành trong vòng 2 năm (từ tháng 4/2014 đến tháng 12/2015) với mục tiêu ứng dụng thành công tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi gia cầm góp phần tăng thu nhập cho đồng bào DTTS. Dự án được triển khai ở 82 hộ (trong đó người dân tộc thiểu số là 80 hộ, đạt 97,6%) với 3 nội dung chính: Chuyển giao và tiếp nhận quy trình chăn nuôi, ấp trứng, thú y vệ sinh phòng bệnh cho gà đẻ trứng Ai Cập lai, gà sinh sản hướng thịt, gà ri lai nuôi thịt, vịt Triết Giang tại Kim Bôi, Hòa Bình; Xây dựng, trình diễn 4 mô hình chăn nuôi bền vững; Đào tạo và tập huấn kỹ năng chăn nuôi, ấp trứng, vệ sinh phòng bệnh gia cầm cho 03 kỹ thuật viên, tập huấn cho 250 hộ dân vùng dự án về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm quy mô nông hộ.
Sau 2 năm triển khai, Dự án đã đạt được những kết quả tích cực, giúp các hộ gia đình tham gia nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Để đánh giá chính xác hiệu quả mà Dự án đã mang lại, Đoàn đã đến thăm mô hình chăn nuôi vịt Triết Giang lai; mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng Ai Cập lai; mô hình chăn nuôi gà ri lai thương phẩm của các hộ gia đình trên địa bàn xã Kim Bình và xã Vĩnh Tiến. Đây là 3/4 mô hình tiêu biểu được triển khai trong thời gian qua.
Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng và các thành viên trong Đoàn đánh giá cao những hiệu quả mà Dự án đã mang lại cho các hộ tham gia. Các hộ đều có nguồn thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình. Để phát huy hiệu quả mà Dự án đã mang lại, Thứ trưởng yêu cầu huyện Kim Bôi cần duy trì và hỗ trợ bền vững cho các hộ gia đình đã tham gia Dự án để các mô hình vẫn tiếp tục phát triển tốt sau khi Dự án kết thúc. Bên cạnh đó, huyện cần xây dựng chiến lược, phương hướng phát triển hiệu quả các mô hình; đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao ra các khu vực khác; chủ động, tiên phong trong việc kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của địa phương.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, Thứ trưởng đề nghị huyện cũng cần phải chú trọng nâng cao năng lực, trình độ hiểu biết cho người dân và kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở; đồng thời quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường, vệ sinh phòng bệnh…
Nhân dịp này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đã trao tặng 10 suất quà cho các hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn của xã Kim Bình.
Chiều cùng ngày, Hội đồng nghiệm thu cơ sở gồm 07 thành viên do TS. Nguyễn Cao Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp UBDT, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã tiến hành họp nghiệm thu Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình”.
Tại buổi nghiệm thu, TS. Nguyễn Hồng Vĩ, Chủ nhiệm Dự án đã trình bày báo cáo tóm tắt mục tiêu, nội dung thực hiện và kiến nghị của Dự án. Đại diện Tổ phản biện và các thành viên Hội đồng đã tiến hành đánh giá chi tiết nội dung của đề án và góp ý vào báo cáo.
Qua cuộc họp nghiệm thu, TS. Nguyễn Cao Thịnh, Chủ tịch Hội đồng cho rằng Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình” là một Dự án có tính hiệu quả cao mà người dân được trực tiếp tham gia thực hiện. Dự án đã được triển khai theo đúng mục tiêu và nhiệm vụ được đề ra, tạo động lực chuyển giao khoa học công nghệ và phát triển sản xuất cho huyện Kim Bôi. Tuy nhiên, về phần báo cáo, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu nhóm thực hiện Dự án cần mô tả rõ hơn phương pháp triển khai thực hiện, đặc biệt là các mô hình. Cần nêu được sự lan tỏa của Dự án đối với cộng đồng, chỉ ra được mô hình nào hiệu quả nhất, dự án đã thay đổi phương thức sản xuất hàng hóa và nhận thức của người dân như thế nào. Bổ sung thêm mục đánh giá về thị trường tiêu thụ và bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực hiện Dự án.
Dự án được Hội đồng đánh giá loại Xuất sắc.
Ngọc Ánh