Ủy ban Dân tộc kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc tại Thái Nguyên

09:32 AM 17/08/2015 |   Lượt xem: 1998 |   In bài viết | 

Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ với 8 dân tộc chủ yếu sinh sống: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa. Đồng bào các DTTS chiếm 27%. Toàn tỉnh có 35 xã khu vực I, 41 xã khu vực II, 48 xã khu vực III; 598 xóm đặc biệt khó khăn.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, trong giai đoạn 2011-2015 việc thực hiện chính sách dân tộc đạt kết quả và hiệu quả tốt, tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện cải thiện, nâng cao cuộc sống, ổn định sản xuất góp phần xoá đói giảm nghèo; kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội vùng dân tộc miền núi có nhiều chuyển biến tích cực; Cơ sở hạ tầng ở các xã miền núi, vùng cao, xã đặc biệt khó khăn được cải thiện rõ rệt; Sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Các chính sách tín dụng, hỗ trợ phát triển sản xuất…đã tạo điều kiện giúp đồng bào có điều kiện thoát nghèo; Đội ngũ cán bộ DTTS ở các xã vùng cao từng bước được nâng cao trình độ, năng lực…

Trong giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh triển khai thực hiện Chương trình 135 với tổng vốn 461.826,8 triệu đồng trong đó xây dựng 468 công trình cơ sở hạ tầng; mở 214 lớp tập huấn và dạy nghề với 11.505 học viên tham gia; phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến cho gần 20.000 hộ; hỗ trợ xây dựng 21 mô hình sản xuất hiệu quả; duy tu bảo dưỡng với 51 công trình; hỗ trợ tiền ăn cho 19.300 lượt học sinh con hộ nghèo. Thực hiện Quyết định 1592, toàn tỉnh đã xây dựng 37 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 38 xóm, bản với kinh phí 31.092 triệu đồng. Hỗ trợ mua máy móc nông cụ 11.220 triệu đồng và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 13.780 triệu đồng. Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho 586.466 khẩu thuộc hộ nghèo vùng khó khăn với tổng kinh phí 51.291,3 triệu đồng. Với chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS tỉnh đã hỗ trợ làm nhà ở cho 57 hộ, hỗ trợ đất ở cho 25 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 27 hộ, hỗ trợ di chuyển 11 hộ, san tạo làm mặt bằng làm nhà cho ở cho 26 hộ...với tổng kinh phí 2.900 triệu đồng. Bố trí cho 1.105 hộ vay vốn phát triển sản xuất với số tiền 8.628 triệu đồng…

Để việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt hiệu quả thiết thực, đồng chí Triệu Minh Thái, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị UBDT bổ sung cơ chế, chính sách để việc quản lý các công trình, dự án Chương trình 135 ở cấp xã, huyện hoạt động hiệu quả; UBDT tham mưu cho Chính phủ: tiếp tục thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020; cấp đủ kinh phí theo định mức Chính phủ quy định với các chương trình, chính sách; về cơ chế quản lý: nên có hướng dẫn quy định giao cho một đầu mối quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình, dự án. Đối với Quyết định 755/QĐ-TTg đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Quyết định, vì nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ của đồng bào là rất lớn. Tăng định mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg để phù hợp với giá cả thị trường hiện nay. Tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn theo Quyết định 54/QĐ-TTg và sớm cấp kinh phí cho địa phương để tổ chức thực hiện, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của đồng bào.

Tại UBND huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, Đoàn công tác đã nghe đại diện các Phòng, ban của huyện báo cáo khái quát việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2011-2015.

Với đặc điểm là huyện có số đông là đồng bào DTTS nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện gắn liền với việc thực hiện công tác dân tộc và các chương trình, chính sách dân tộc. Năm 2011 tổng số hộ nghèo của huyện là 8.205 hộ chiếm tỷ lệ 28,01% trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 70,1%. Tính đến năm 2015 tổng số hộ nghèo của huyện là 4.838 hộ chiếm tỷ lệ 18,94%. Sau 5 năm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm 9,07%.

Trong những năm qua toàn huyện đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách của Chính phủ dành cho vùng đồng bào DTTS trong đó đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135)…Các nguồn lực đầu tư phát triển được huy động và sử dụng có hiệu quả; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên; công tác y tế, giáo dục, văn hoá và an sinh xã hội có những chuyển biến tích cực; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, vùng DTTS miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên vẫn bộc lộ một số tồn tại: tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, thoát nghèo chưa bền vững, trình độ dân trí vẫn còn hạn chế, đại bộ phận đồng bào dân tộc sống bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp; cơ sở hạ tầng đáp ứng chưa nhiều cho nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế cả về nhận thức và trình độ nghiệp vụ.

Trao đổi với Ban Dân tộc tỉnh và huyện Định Hoá, các đồng chí trong đoàn công tác UBDT đã thẳng thắn đặt các câu hỏi để tìm hiểu và làm rõ hơn việc triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn huyện Định Hoá và toàn tỉnh Thái Nguyên. Qua đó hiểu hơn về hiệu quả cũng như những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách đối với đồng bào vùng miền núi, đặc biệt khó khăn.

Đồng chí Võ Văn Bảy, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, các kiến nghị sẽ được đoàn công tác tiếp thu và báo cáo với Lãnh đạo UBDT. Các ý kiến, kiến nghị của địa phương sẽ góp phần giúp UBDT tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách dân tộc thiết thực, hiệu quả trong giai thời gian tới.

Đồng chí Võ Văn Bảy cũng thông tin với Ban Dân tộc và huyện Định Hoá về định hướng xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2016 – 2020 của UBDT, đặc biệt là Chương trình 135 giai đoạn tới sẽ có 3 hợp phần, ngoài 02 hợp phần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất như hiện nay, bổ sung thêm hợp phần hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, cộng đồng và giao cho Ủy ban Dân tộc quản lý, chỉ đạo. Đây là một Chương trình nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và vẫn lấy tên là Chương trình 135 một cái tên thân thuộc với đồng bào từ năm 1999 đến nay.

Sơn Nam