Điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số: Điều chỉnh chính sách phù hợp với đặc điểm, nguyện vọng của đồng bào

03:45 AM 20/08/2015 |   Lượt xem: 2416 |   In bài viết | 

PV: Thứ trưởng có thể cho biết vì sao chúng ta phải tiến hành của cuộc điều tra quan trọng này?

Thứ trưởng, PCN Phan Văn Hùng: Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách dành cho đồng bào dân tộc. Cùng với đó, sự đầu tư của Chính phủ để thực hiện chính sách ngày càng tăng. Đặc biệt, với hàng loạt chương trình, dự án, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật như: đường giao thông, điện, thủy lợi, viễn thông, trường học, y tế... Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn vùng dân tộc.

Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy, do chưa có thông tin, dữ liệu, số liệu thống kê định kỳ về phát triển kinh tế - xã hội của từng dân tộc nên chính sách dân tộc hiện đang áp dụng chung cho các dân tộc chưa phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc. Nội dung một số đề án chính sách dân tộc còn cảm tính, chưa dựa trên bằng chứng khoa học, số liệu thống kê và nguyện vọng của đồng bào. Vì thế, hiệu quả chính sách chưa cao, mức độ thụ hưởng chính sách, giảm nghèo của đồng bào không đều nhau.

Trước tình hình trên, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã phối hợp với Tổng cục Thống kê tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2015 phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS.

Cuộc điều tra này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc một cách đầy đủ toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm trong điều kiện nguồn lực còn có hạn. Cuộc điều tra cũng phản ánh chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách các dân tộc không phân biệt ít - nhiều, địa bàn cư trú... là bình đẳng, đoàn kết, cùng giúp nhau. Đồng thời thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ, của đất nước vì không phải nước nào trên thế giới cũng có.

PV: Trong các số liệu điều tra lần này, UBDT quan tâm nhất đến những số liệu nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng, PCN Phan Văn Hùng: Tôi cho rằng tất cả các số liệu trong cuộc điều tra đều rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm đến các số liệu như: tỷ lệ nghèo, nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ người dân tộc...

Thứ nhất, tỷ lệ hộ nghèo, dù dân số vùng miền núi, vùng DTTS chỉ chiếm 14% dân số cả nước nhưng chiếm tới hơn 50% tỷ lệ hộ nghèo của cả nước, có những vùng hầu hết là hộ nghèo. Vì thế chúng tôi muốn biết rõ xem từng dân tộc thì tỷ lệ nghèo như thế nào. Việc thực hiện, thụ hưởng chính sách giảm nghèo của nhà nước có khó khăn vướng mắc gì không để có những điều chỉnh phù hợp.

Thứ hai, thông tin phát triển nguồn nhân lực, đất nước đang hội nhập toàn cầu, kinh tế tri thức, công nghiệp hóa hiện đại hóa, nếu nguồn nhân lực không đáp ứng được thì đồng bào không hội nhập được; không được hưởng những thành quả phát triển, đồng bào sẽ gặp khó khăn trong việc làm, thu nhập, về các điều kiện an sinh xã hội. Bên cạnh đó là số liệu liên quan đến đội ngũ cán bộ, đảng viên người DTTS, nếu không có đội ngũ này thì không có người dẫn dắt đồng bào vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội...

PV: UBDT và Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp như thế nào để cuộc điều tra có được kết quả tốt?

Thứ trưởng PCN Phan Văn Hùng: Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Thống kê là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện điều tra, UBDT có trách nhiệm theo dõi, giám sát, tiếp nhận, khai thác sử dụng kết quả điều tra. Ngay sau khi có Quyết định, hai bên đã phối hợp xây dựng phương án, biểu mẫu, ký kết bảng phân công trách nhiệm cụ thể. Mọi công việc chuẩn bị đã được hoàn thành trong tháng 7 và từ đầu tháng 8/2015 tiến hành điều tra các hộ gia đình, thu thập thông tin các xã. Khối lượng công việc rất lớn, nội dung phức tạp, đối tượng phân tán trên địa bàn rộng, vì thế chúng tôi đề nghị các điều tra viên khắc phục khó khăn, tiến hành điều tra nghiêm túc, khách quan, trung thực. Chúng tôi đề nghị đồng bào các dân tộc tích cực hợp tác trả lời đầy đủ các câu hỏi và mong rằng lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo để cuộc điều tra đạt chất lượng và đúng tiến độ.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo: Đình Dũng (thực hiện) (Nguồn: Báo Công Thương)