Triển khai thực hiện Đề án xây dựng bộ cơ sở dữ liệu các dân tộc thiểu số Việt Nam

03:38 AM 18/03/2015 |   Lượt xem: 1578 |   In bài viết | 

Tham dự có đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin; đồng chí Ngô Quang Sơn, Viện trưởng Viện Dân tộc cùng các cán bộ chủ chốt Trung tâm Thông tin và Viện Dân tộc.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng nhấn mạnh: việc xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu các dân tộc thiểu số của Việt Nam rất quan trọng; là một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm vụ toàn khóa của UBDT. Tuy nhiên, việc xây dựng đề án trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt được những yêu cầu mà Lãnh đạo Ủy ban giao cho. Bộ cơ sở dữ liệu hiện có chưa phục vụ nhiều cho nhu cầu của Lãnh đạo Ủy ban, một số dữ liệu đã lạc hậu, chưa cập nhật kịp thời. Thứ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn về tài chính và nguồn nhân lực để thực hiện Đề án. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị 2 đơn vị phải tập trung mọi nguồn lực để triển khai có hiệu quả Đề án; tận dụng tối đa những số liệu thông tin đã có, đưa ra những dữ liệu cần thiết, có nguồn gốc trích dẫn... để cập nhật liên tục trên Cổng Thông tin Điện tử.

Thảo luận tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng việc xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu phải xuất phát từ nhu cầu thông tin của Lãnh đạo Ủy ban; cần phải thành lập tổ chuyên gia, đồng thời phối hợp với một số Bộ, ngành, các Vụ, đơn vị của Ủy ban có liên quan để xin số liệu; việc phân chia các bộ dữ liệu phải phù hợp với từng đối tượng và bám sát theo các chủ trương, chính sách của Lãnh đạo Uỷ ban.

Để xây dựng thành công Bộ cơ sở dữ liệu trong thời gian sớm nhất, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng yêu cầu các đơn vị liên quan cần có kế hoạch triển khai cụ thể; tập trung giải quyết các vấn đề về tài chính và nguồn nhân lực. Đối với Bộ cơ sở dữ liệu, phải bổ sung đầy đủ các số liệu về: Dân số, tỷ lệ phần trăm các dân tộc thiểu số phân bố trên địa bàn các tỉnh; địa bàn vùng dân tộc và miền núi (số tỉnh, huyện, xã); tỷ lệ phần trăm số hộ nghèo trên từng vùng (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ); chỉ số bất bình đẳng; tình trạng phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở của từng tỉnh; tỉ lệ dân số (người lớn) mù chữ của từng tỉnh, từng dân tộc; tuổi thọ người dân theo từng tỉnh, từng dân tộc; chỉ số về thu nhập… Bộ dữ liệu của các tỉnh cần phải nêu rõ đặc điểm các dân tộc trên địa bàn; những chính sách dân tộc đã được triển khai; địa bàn các dân tộc phân bố như thế nào; địa bàn triển khai, tổng kinh phí, việc phân bố kinh phí và danh mục các công trình của các chương trình, dự án (Chương trình 135, Quyết định 1755…); số liệu về các hộ gia đình thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; các dự án định canh định cư đã được phê duyệt, kinh phí bố trí trong năm cho từng tỉnh đáp ứng bao nhiêu % trên tổng số; tỉ lệ hộ nghèo của từng tỉnh, từng dân tộc; phần trăm số xã có đường giao thông đến từng thôn bản; phần trăm số xã có điện; phần trăm cán bộ dân tộc thiểu số ở từng tỉnh; thu thập nhóm số liệu sản xuất theo từng tỉnh…

Ngọc Ánh