Tích hợp ngay những chính sách manh mún

09:15 AM 21/01/2015 |   Lượt xem: 1983 |   In bài viết | 

Chính sách phải chờ… ngân sách

Hiện chúng ta có rất nhiều chính sách liên quan đến giảm nghèo, cụ thể có tới 153 văn bản dẫn tới sự chồng chéo, trùng lặp, triển khai kém hiệu quả. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này?

• Tôi cho rằng hoàn toàn đúng. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo mới đây (16/01), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đánh giá về thực trạng này và chỉ ra rằng không phải do chúng ta không có ý thức xây dựng đồng bộ, đồng loạt, mà do nguồn lực hạn chế nên nhiều chính sách có lộ trình xây dựng dài, không được ban hành kịp thời.

Hầu hết các chính sách phải đợi tới khi nào ngân sách có đủ điều kiện mới ban hành, dẫn tới đôi lúc các chính sách có nội hàm gần giống nhau.

Tuy nhiên, mỗi chính sách, mỗi lĩnh vực đều có điểm nhấn. Như Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới hay 30a đều có hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhưng Chương trình xây dựng nông thôn mới là hỗ trợ phát triển sản xuất ở các xã trong phạm vi cả nước; Chương trình 135 là hỗ trợ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, tức là phạm vi nhỏ lại; còn Chương trình 30a thì chỉ hỗ trợ cho 62 huyện nghèo (hiện khoảng 90 huyện). Như vậy có thể thấy, nội hàm của các chương trình này có phần giống nhau, nhưng cách thức chỉ đạo, phương pháp thực hiện thì khác nhau.

Hay trong tín dụng, chúng ta có khoảng 25 văn bản quy định, đối tượng hỗ trợ hầu như chồng lấn lên nhau. Ví dụ, hộ đặc biệt khó khăn có thể được vay 8 triệu đồng có lãi suất ưu đãi, ngoài ra có thể vay thêm chương trình tín dụng cho hộ nghèo, nhưng không được vượt quá trần quy định đối với hộ nghèo.

Hầu hết các giải pháp để thực hiện chính sách giảm nghèo đều được đề xuất và thiết kế ở cấp quốc gia, trong khi mới thực hiện là các thôn bản. Liệu rằng chính sách có xa rời thực tế, thưa ông?

• Về chính sách, hầu hết đều do T.Ư ban hành, còn thực thi thì từ hộ cho tới cộng đồng, thôn bản, xã. Trong quá trình xây dựng chính sách, các Bộ, ngành đều khảo sát, nắm bắt ý kiến của người dân từ cơ sở lên chứ không phải ngồi ở T.Ư để vẽ ra chính sách. Tuy nhiên, đúng là có nhưng chính sách chưa thực sự sát với đối tượng, do chỉ dựa vào điều kiện của một vùng mà đưa ra chính sách chung cho cả nước; hoặc mẫu khảo sát có thể trùng khớp với địa bàn này nhưng không trùng khớp với vùng khác, nên khi thực hiện phải bổ sung điều chỉnh.

Ví dụ như Chương trình xây dựng nông thôn mới, ban đầu đưa ra nhiều tiêu chí không phù hợp với vùng đồng bào dân tộc miền núi, khiến các địa phương rất lúng túng, khó triển khai, phải vừa làm vừa điều chỉnh.

Dân xin được nghèo do… cán bộ ỷ lại

Vậy tới đây các chính sách sẽ được sửa đổi, bổ sung như thế nào để tránh lãng phí nguồn lực, thưa ông?

• Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm đến việc tăng nguồn lực cho vùng dân tộc, vùng nghèo, nhưng do điều kiện ngân sách còn khó khăn nên nhiều chương trình chưa thể hiện được sự tập trung ưu tiên cho những vùng “lõi nghèo”; nguồn lực đầu tư vẫn bị dàn trải.

Ủy ban Dân tộc hiện đang chỉ đạo 9 chính sách đến năm 2015, nhiều chính sách hết hiệu lực nhưng đến nay vẫn không có chính sách nào được cấp tới 60% nguồn vốn.

Ví dụ như năm 2014, Quyết định 755/2013 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt sẽ hết hiệu lực vào năm 2015, nhưng hiện vốn mới đạt trên 5%; Quyết định 33 hỗ trợ định canh định cư cũng chỉ đạt hơn 49%; cao nhất là Chương trình 135 cũng mới đạt trên 64%.

Trong 5 năm vốn ngân sách thực hiện chính sách do Ủy ban Dân tộc phụ trách hỗ trợ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa bằng một công trình lớn của đất nước. Ai cũng tưởng nhiều chính sách thì sẽ được nhiều tiền, nhưng thực tế là nguồn lực rất thấp và không ổn định, thời gian thực thi thì ngắn nên các địa phương khó hoàn thành các mục tiêu.

Để tránh lãng phí nguồn lực cũng như tập trung đầu tư có trọng điểm và hiệu quả, tôi cho rằng các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, tích hợp những chính sách mang tính manh mún, nhỏ lẻ lại để tập trung nguồn lực có trọng điểm hơn. Chứ nếu cứ để tình trạng dàn trải, mỗi thứ một ít như hiện nay thì không ngân sách nào đáp ứng được, không đạt được mục tiêu, làm mất lòng tin của người dân, nhất là đối với địa phương và các hộ trực tiếp thụ hưởng chính sách.

Thực tế có những dự án, chương trình khi khảo sát, xây dựng quy hoạch đã đưa các đối tượng vào diện hỗ trợ, nhưng rất lâu mà không thấy triển khai, tiền không rót về… Hy vọng sau khi rà soát lại, nguồn lực sẽ chủ động hơn và giúp cải thiện được tình trạng này, đồng thời thực hiện dứt điểm từng mục tiêu đề ra.

Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu trong công cuộc giảm nghèo, nhưng vẫn tồn tại tình trạng người dân, địa phương xin được nghèo để nhận hỗ trợ. Ông nghĩ thế nào về điều này?

• Người ta vẫn nói một số nơi dân trông chờ ỷ lại, không muốn thoát nghèo, tôi nghĩ không đúng lắm đâu. Có khi nào là do cán bộ ỷ lại chứ không phải dân. Bởi theo tiêu chuẩn, xã đặc biệt khó khăn thì hộ nghèo, hộ cận nghèo phải chiếm 45%; huyện nghèo là 50% vì vậy cũng khó tránh được chuyện một vài nơi cán bộ địa phương muốn giữ lại con số này để được Nhà nước công nhận xã, thôn đặc biệt khó khăn hoặc huyện nghèo 30a.

Tôi đã đi khảo sát ở nhiều nơi, từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên đến Nghệ An, Kiên Giang… và thấy nhận thức đồng bào hiện nay rất tốt, ai cũng muốn tự lực vươn lên, nhờ đó đời sống bà con được cải thiện rõ rệt, sự no ấm hiện rõ trong từng gia đình, do đó không thể nói đồng bào lười hay ỷ lại.

Tôi đã tìm hiểu tại một xã có trên 90% đồng bào dân tộc và nhận thấy hơn 50% lao động là thanh niên đã ra khỏi địa bàn tìm việc làm, mà đó là họ tự đi tìm việc chứ không phải trông chờ vào Nhà nước. Qua đó để thấy, ở một số nơi chính quyền địa phương chưa thực sự sâu sát với dân, chưa nắm bắt được nhu cầu của bà con để cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Minh Huệ (Nguồn: Nông thôn ngày nay)