Bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
09:25 AM 16/07/2014 | Lượt xem: 3158 In bài viết |Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ, với 54 dân tộc và khoảng hơn 90 ngôn ngữ khác nhau. Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) đều có ngôn ngữ của riêng mình, trong đó sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ giao tiếp chung. Tuy nhiên, xu hướng hội nhập quốc tế đang làm nảy sinh nguy cơ suy giảm ngôn ngữ các DTTS.
Vấn đề quan hệ giữa các ngôn ngữ, giáo dục ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ ở các vùng đồng bào DTTS Việt Nam đã được đặt ra từ lâu và hiện nay vẫn được coi là cấp thiết, trước hết vì yêu cầu phải thống nhất ý chí và củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc, đồng thời thể hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc. Phải bảo tồn và phát triển những nét bản sắc trong văn hóa truyền thống của mỗi DTTS. Vì ngôn ngữ không chỉ là một thành tố cơ bản của văn hóa, một biểu hiện của những giá trị nhân văn, mà còn là phương tiện để hình thành và lưu truyền các hình thái quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của một dân tộc. Đồng thời, điều đó cũng góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam.
Chung quanh vấn đề giáo dục ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ ở các vùng đồng bào DTTS Việt Nam, cũng như về vai trò và vị trí của ngôn ngữ các DTTS hiện nay có rất nhiều điều đáng bàn luận. Đây không chỉ là chuyện riêng của ngành ngôn ngữ học, mà còn của các ngành giáo dục, dân tộc học, văn học, văn hóa dân gian, tâm lý học của các nhà hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc và của chính người dân... Tuy nhiên, vấn đề mai một, tiêu vong đối với tiếng mẹ đẻ của các DTTS, trong hoàn cảnh hiện nay ở nước ta đang được nhiều người quan tâm...
Theo chúng tôi có ba nguyên nhân làm mai một tiếng DTTS. Thứ nhất,về mặt dân số học: Số người nói các ngôn ngữ DTTS ở Việt Nam không nhiều (rất ít so với tiếng Việt). Trong số các DTTS ở Việt Nam, các dân tộc hơn một triệu người không nhiều (Tày, Thái, Mường, Khmer). Chủ yếu là các dân tộc có số dân dưới một triệu người. Các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người, thậm chí dưới một nghìn người không ít (La Ha, Phù Lá, La Hủ, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Cô Ống, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu). Các DTTS ở Việt Nam thường cư trú phân tán xen kẽ với các dân tộc khác, nghĩa là số lượng người nói một ngôn ngữ trong một đơn vị địa lý, hành chính không cao và không tập trung. Số người nói được các ngôn ngữ DTTS thường thuộc lứa tuổi già và trung niên, còn lứa tuổi thanh niên biết tiếng "mẹ đẻ" ít hơn, thậm chí nhiều trẻ em không biết tiếng mẹ đẻ của mình... Theo lẽ tự nhiên, các ngôn ngữ có số lượng người nói ít, lại phân tán, không có nhiều độ tuổi sử dụng thì nguy cơ mai một càng nhanh.
Thứ hai, về nhân tố văn hóa -ngôn ngữ: Hiện nay, quá nửa số DTTS ở Việt Nam đã có chữ viết. Đây là các hệ thống chữ dạng vuông gốc Hán, dạng Sanscrit, dạng la-tinh và cả dạng chữ hình vẽ. Có dân tộc có tới vài ba bộ chữ. Chữ viết (một dạng của ngôn ngữ) có vai trò đáng kể trong bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, giúp cho việc ghi chép và truyền bá các tác phẩm văn nghệ truyền thống và sáng tác mới, dùng trong phát thanh và truyền hình... Tuy nhiên, trên thực tế, các hệ thống ngôn ngữ nói trên có phạm vi sử dụng rất hẹp và chưa được nhiều người biết đến. Mặt khác, phần lớn ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam lâu nay không được truyền dạy có tổ chức mà chỉ được truyền dạy tự phát, hay dùng dưới dạng khẩu ngữ trong phạm vi gia đình, làng bản...
Thứ ba, về yếu tố tâm lý - xã hội: Ở nước ta, đồng bào các DTTS rất trân trọng những nét bản sắc văn hóa do cha ông truyền lại, trong đó có tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu vì lý do kinh tế, các bậc cha mẹ phải hướng con cái tới việc nắm vững tiếng Việt và các ngoại ngữ (Anh, Pháp, Trung, Nhật Bản...) để tìm kiếm việc làm, bảo đảm đời sống.
Từ lâu, chính sách của Nhà nước ta đối với ngôn ngữ các DTTS được thể hiện trong khá nhiều văn bản, tài liệu đã được công bố. Trong Điều 5, Chương I, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có ghi: "Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình". Trong Điều 7, Luật Giáo dục ban hành năm 2005: Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
Các luận điểm trong chính sách nói trên của Nhà nước hoàn toàn phù hợp với tinh thần và những cố gắng của cộng đồng quốc tế. Cho nên ngày 21-2 hằng năm đã được quy định là Ngày Quốc tế về tiếng mẹ đẻ. Ở nước ta, nhờ có chính sách đúng đắn, những năm gần đây đã có một số ngôn ngữ DTTS được sử dụng như đối tượng hoặc phương tiện dạy - học trong một số trường phổ thông và các cơ sở giáo dục khác ở vùng DTTS. Đồng thời, một số ngôn ngữ đang được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh và truyền hình địa phương như Khmer, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm, Mông, Thái, Xê Đăng, Tày, Hà Nhì, Hrê, Cà Tu... Một số ngôn ngữ DTTS đã được sử dụng để in các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới; để biên soạn các từ điển đối chiếu song ngữ, các sách miêu tả ngữ pháp, các sách giáo khoa...
Nhân tố quan trọng nhất đem lại sức sống cho các ngôn ngữ là chúng được truyền dạy và có vai trò như thế nào trong đời sống xã hội. Vì thế, những hoạt động kể trên bước đầu đã mang lại điều kiện tồn tại cho một số ngôn ngữ DTTS. Hy vọng là những cố gắng của Nhà nước, của các tổ chức và cá nhân sẽ giúp ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam không ngừng được bảo tồn và phát huy các giá trị của nó trong điều kiện hội nhập đang diễn ra sâu rộng...
PGS, TS Tạ Văn Thông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).Theo nhandan.com.vn