Ủy ban Dân tộc làm việc với Đoàn Đại sứ, Trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài

08:53 AM 09/07/2014 |   Lượt xem: 2830 |   In bài viết | 

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; Hà Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; đại diện Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT; các đồng chí Đại sứ, Trưởng đại diện Việt Nam tại Pháp, Chi Lê, Êtiôpia, Niu Dilân, Iran, Uzbekistan, Áo, Mexico, Sri Lanka, Slovakia, Hy Lạp, Triều Tiên, Hồng Kông, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Thái Lan.

Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương đã giới thiệu với Đoàn Đại sứ một số nét cơ bản về UBDT, tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước ta dành cho vùng đồng bào DTTS trong giai đoạn hiện nay. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương cho biết: Vùng dân tộc và miền núi Việt Nam chiếm gần ¾ diện tích cả nước, là địa bàn sinh sống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với gần 12,3 triệu người, chiếm 14,27% dân số cả nước, đa số cuộc sống đồng bào DTTS còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo cao. Trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, như: hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (tiêu biểu là Chương trình 135); hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao đời sống vật chất; hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khoẻ; giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào (tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán); phòng chống biến đổi khí hậu…; chính sách cho các dân tộc ít người.

Qua triển khai các chính sách, những năm qua đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm 3-4%. Tuy nhiên, do nguồn lực nhà nước có hạn nên hiện nay vùng DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: kinh tế chậm phát triển, sản phẩm sản xuất ra chưa có thị trường tiêu thụ; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn thiếu và rất yếu kém; đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với cả nước; tình trạng du canh du cư, chặt phá rừng còn diễn biến phức tạp; chất lượng y tế, giáo dục còn thấp; văn hoá truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương đề nghị các Đại sứ, Trưởng đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tạo điều kiện giúp đỡ UBDT trong việc kết nối với các tổ chức nước ngoài nhằm kêu gọi sự hỗ trợ về ngân sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn; đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; giúp đỡ nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương về các kỹ năng lập kế hoạch, hoạch định chính sách, quản lý, triển khai, đánh giá hiệu quả công việc; hỗ trợ UBDT xây dựng một số mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững, khai thác được thế mạnh của chính đồng bào DTTS; hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ cho việc dự báo và phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; hỗ trợ UBDT trong công tác đảm bảo quyền cho đồng bào DTTS, đặc biệt là các dân tộc ít và rất ít người. Mong muốn trong thời gian tới, các Đại sứ, Trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ thường xuyên trao đổi, tăng cường hợp tác giúp UBDT thực hiện một số chương trình hỗ trợ giảm nghèo đa chiều cho đồng bào các dân tộc nhằm xây dựng và phát triển văn hoá đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương giao Vụ Hợp tác Quốc tế UBDT là đầu mối để liên lạc, trao đổi thông tin với các Đại sứ, Trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hà Hùng cũng đã có những thông tin, chia sẻ với Đoàn Đại sứ một số kinh nghiệm trong công tác dân tộc và những câu chuyện trong quá trình làm chính sách dân tộc. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn các Đại sứ, Trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực tuyên truyền về lĩnh vực DTTS với bạn bè quốc tế, tuyên truyền những nét đẹp về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm khẳng định: phải nâng cao dân trí cho vùng đồng bào DTTS mới có thể thoát nghèo, chính vì vậy vấn đề cán bộ dành cho nơi này là hết sức quan trọng, mong muốn các Đại sứ tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế, các nước phát triển hỗ trợ đào tạo học sinh, cán bộ người DTTS trong nước, nước ngoài, giúp nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương tới địa phương; Hỗ trợ kêu gọi các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế đầu tư, tài trợ xây dựng Học viện Dân tộc; tăng cường công tác tuyên truyền của Việt Nam nói chung về vấn đề DTTS, nhân quyền ở nước ngoài.

Với những thông tin được Lãnh đạo UBDT trao đổi, chia sẻ, các Đại sứ đánh giá cao tầm quan trọng của công tác dân tộc, nhận thức việc triển khai chính sách dân tộc cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các Đại sứ đèu cho rằng: Về mặt chính trị an ninh, đây là mảng công tác hết sức quan trọng, những vấn đề bất ổn xảy ra tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc; Về kinh tế, khu vực DTTS có nhiều tiềm năng để phát triển; về văn hoá, với 54 dân tộc, đây là khu vực đa dạng, giàu bản sắc văn hoá các dân tộc, là khu vực tiềm năng để hội nhập văn hoá Việt Nam với các nước bạn; Về vấn đề xã hội, nếu không giải quyết các vấn đề xã hội tốt thì đây sẽ là vùng tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Các Đại sứ nhất trí cao với những kiến nghị của UBDT, những vấn đề đó phải được triển khai song song, ưu tiên những nội dung phù hợp với sự phối hợp, tài trợ của các tổ chức, các nước; chọn lựa những vấn đề phù hợp ở từng địa bàn, từng thời điểm.

Các Đại sứ cũng đề nghị với UBDT cần có cơ chế tăng cường trao đổi thông tin chặt chẽ hơn nữa để có thể hiểu rõ những vấn đề khó khăn vùng đồng bào DTTS, cuộc sống của đồng bào, các chính sách dân tộc, cơ chế triển khai chính sách, các thành tựu, thuận lợi, khó khăn vùng DTTS… Các Đại sứ cũng trao đổi với UBDT trong các bước đi, cùng phối hợp xây dựng chương trình hành động giữa 2 bên; cần xác định mục tiêu phát triển vùng đồng bào DTTS là hành động chung giữa UBDT với Đại sứ của Việt Nam tại các nước. Các Đại sứ mong muốn việc hợp tác giữa hai cơ quan được thực hiện trên tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm, mong muốn sẽ tiếp tục có nhiều cuộc làm việc, trao đổi giữa hai cơ quan trong thời gian tới.

Sơn Nam