Toạ đàm khoa học "Một số vấn đề mới về người dân tộc thiểu số ở Trường Sơn, Tây Nguyên"

04:55 AM 24/12/2013 |   Lượt xem: 2724 |   In bài viết | 

Tại buổi Tọa đàm, Nhà văn Nguyên Ngọc đã trình bày những vấn đề về người dân tộc thiểu số ở Trường Sơn, Tây Nguyên. Nhà văn Nguyên Ngọc đã khái quát về địa lý, lịch sử phát triển và hình thành của Tây Nguyên, những vấn đề cấp bách về việc bảo tồn văn hoá và bảo vệ rừng tại Tây Nguyên…Các dân tộc ở Tây Nguyên vốn sống tự do, phóng khoáng, khi thực dân Pháp vào xâm lược, họ đứng lên kháng cự rất anh hùng và liên tục. Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, các tộc người Tây Nguyên đã hăng hái tham gia kháng chiến, và từ đó gia nhập khăng khít vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam một cách nhanh chóng và hoàn toàn tự nhiên. Sau năm 1954 là một giai đoạn phát triển đặc biệt của Tây Nguyên. Chính quyền Sài Gòn thực hiện tố cộng, diệt cộng ác liệt, gây tổn thất lớn và đẩy phong trào cách mạng miền Nam ở đồng bằng vào một thời kỳ thoái trào nặng nề. Cán bộ và tổ chức cách mạng phải lánh lên miền núi Tây Nguyên, được đồng bào các dân tộc che giấu, đùm bọc. Cơ sở cách mạng trong quần chúng các dân tộc thiểu số được xây dựng rộng khắp, chất lượng cao…Tây Nguyên hoàn toàn không có thoái trào, trái lại phát triển toàn diện.

 

Từ năm 1975 đến nay đã 40 năm, trong 40 năm đó có nhiều tác động, Tây Nguyên đã hoàn toàn thay đổi về nhiều mặt và rất sâu sắc. Hiện nay chúng ta đang đứng trước một Tây Nguyên hầu như không còn giống với Tây Nguyên sau chiến thắng năm 1975, về tự nhiên cũng như về xã hội, thậm chí theo cách nào đó, đã đảo ngược. Thực tế đó đặt ra một loạt vấn đề khó khăn mà lại chưa được nghiên cứu, tìm cách lý giải và giải quyết triệt để.

 

Có nhiều công trình nghiên cứu về Tây Nguyên do người Pháp để lại và cả những nghiên cứu của Việt Nam, tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu ấy, với giá trị ở những mức độ khác nhau, làm xong thì đều không được quan tâm, khai thác, vận dụng. Có những cảnh báo của một số nhà khoa học có tính khẩn cấp, và đầy trách nhiệm tuy nhiên cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức…

 

Nghiên cứu về Tây Nguyên, ứng dụng nghiên cứu về Tây Nguyên là đáng báo động. Nhà văn Nguyên Ngọc đề nghị: nghiên cứu cấp bách nhất hiện nay về Tây Nguyên là khảo sát, điều tra, nghiên cứu sự biến đổi của trong suốt 40 năm qua. Xác định thực tế Tây Nguyên, như một thực thể mới, để từ đó mọi thứ đối với vùng đất và người dân nơi đây; thiết lập danh mục nghiên cứu Tây Nguyên; dịch các công trình nghiên cứu đã có; rà soát lại Chương trình nghiên cứu Tây Nguyên III; nghiên cứu kết hợp chặt chẽ với đào tạo, đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ nghiên cứu là người dân Tây Nguyên, đi đôi với tập hợp, tận dụng và phát triển lực lượng rất quý đã được đào tạo.


Phát biểu tại buổi Toạ đàm, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao những nội dung do nhà văn Nguyên Ngọc trình bày. Những thông tin bổ ích đó sẽ giúp những người làm công tác dân tộc hiểu rõ hơn về văn hóa đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn, Tây Nguyên, từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất những chương trình, chính sách phù hợp cho Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc khu vực Trường Sơn, Tây Nguyên nói riêng và đồng bào dân tộc cả nước nói chung. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng mong muốn trong thời gian tới nhà văn Nguyên Ngọc sẽ tham gia các đề tài khoa học về Trường Sơn, Tây Nguyên và UBDT sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác từ phía nhà văn Nguyên Ngọc để từng bước hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển các dân tộc ở khu vực Trường Sơn, Tây Nguyên nói riêng và trên cả nước nói chung.

 

Sơn Nam