Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương làm việc với Giám đốc Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế
09:54 AM 15/04/2013 | Lượt xem: 2775 In bài viết |Chiều ngày 10/04/2013, tại trụ sở cơ quan Ủy ban Dân tộc(UBDT), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương đã có buổi tiếp và làm việc với ông Henning Pedersen, Giám đốc Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD). Tham dự buổi tiếp có đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Dân tộc Thiểu số, Văn phòng Điều phối Chương trình 135.
Tại buổi tiếp Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương đã giới thiệu những chính sách phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện ở vùng DTTS ở Việt Nam. Việt Nam hiện có nhiều chương trình mục tiêu, dự án được triển khai thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông, thủy lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo, khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc…Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo (2001-2005 và 2006-2010), với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1,5 – 2% (tương đương giảm khoảng 30 vạn hộ/năm) đã áp dụng một số chính sách như: hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả, dạy nghề cho thanh niên trong độ tuổi lao động, cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo…
Giới thiệu về hoạt động của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD). Ông Henning Pedersen, Giám đốc IFAD cho biết: IFAD gồm 165 thành viên là các nước thành viên của Liên hợp quốc, hoạt động chủ yếu của IFAD là huy động các nguồn vốn bổ sung từ các nước tài trợ để phát triển sản xuất và tăng cường dinh dưỡng cho các nhóm người dân có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển. Ít nhất có khoảng 20% số người sống ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh đang chịu ảnh hưởng của nạn đói và thiếu dinh dưỡng kéo dài. Vì vậy, Quỹ tập trung hỗ trợ phát triển của những cộng đồng nghèo ở nông thôn, đặc biệt là những người nông dân không có ruộng đất, ngư dân, người chăn nuôi gia súc và những phụ nữ nghèo, đồng thời cũng quan tâm đến những cách tiếp cận tiên tiến được xây dựng trên cơ sở tham gia của địa phương và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của tổ chức IFAD tại Việt Nam: Tập trung hỗ trợ nông dân, ngư dân, phụ nữ nghèo. Hỗ trợ cho một số tỉnh nghèo và có đông đồng bào các dân tộc ít người sinh sống.
Trong những năm qua IFAD đã triển khai nhiều dự án tại các vùng nông thôn, vùng ĐBKK có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Việt Nam là nước có nhiều dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc có văn hóa và hoạt động sinh sống khác nhau, IFAD luôn tìm cách tiếp cận tốt nhất tới từng tỉnh, từng vùng khác nhau. Làm sao để người nghèo, người dân tộc thiểu số được tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất hàng hóa, từ đó có thể thoát nghèo bền vững…
Ông Henning Pedersen mong muốn trong thời gian tới, UBDT và IFAD sẽ có được sự hợp tác chặt chẽ, nhất là trong việc thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về ý thức tự trong giác sản xuất, đầu tư, tiết kiệm, kinh doanh.. giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững. Hai bên cùng có những hướng đi nhằm tìm ra cách hoạt động hỗ trợ tốt nhất cho vùng đồng bào dân tộc. Ông Henning Pedersen đề nghị phía UBDT cần có những hỗ trợ các chính sách, diễn đàn, thảo luận về các chính sách để phía IFAD cùng tham gia, đồng thời IFAD sẵn sàng tổ chức các Hội thảo, đem những mô hình thành công vào Hội thảo như: đảm bảo dinh dưỡng, mô hình sản xuất hiệu quả…để đưa vào áp dụng tại các địa phương.
Với những khó khăn hiện tại của vùng DTTS, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương đề nghị tổ chức IFAD phối hợp và hỗ trợ một số vấn đề như: Hỗ trợ tăng cường áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo một nền nông nghiệp phát triển bền vững, cụ thể: xây dựng một số mô hình điểm ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ); hỗ trợ tổ chức các cuộc Hội thảo tập huấn cho cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm ở vùng DTTS; hỗ trợ tín dụng để phát triển kinh tế hộ gia đình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi; hỗ trợ xây dựng mô hình điểm đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở một số tỉnh miền núi phía Bắc; hỗ trợ một số hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, về chính sách dân tộc cho vùng nông thôn miền núi đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây dựng một số mô hình chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như mận ở Lào Cai, cam ở Hà Giang, chè ở Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang…
Sơn Nam