Ủy ban Dân tộc tăng cường nắm bắt thông tin về các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn, Tây Nguyên

09:56 AM 15/04/2013 |   Lượt xem: 2210 |   In bài viết | 

GS.TS Phan Đăng Nhật là một trong những chuyên gia về văn hóa các dân tộc thiểu số và là một trong những chuyên gia hàng đầu về sử thi, đặc biệt là sử thi Tây Nguyên. Tại buổi làm việc, GS.TS Phan Đăng Nhật đã trình bày vấn đề được UBDT hết sức quan tâm, đó là báo cáo về “Các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn, Tây Nguyên”.

Khu vực Trường Sơn, Tây Nguyên hiện có khoảng 40 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Bana, Êđê, M’nông, Stiêng, Giarai, K’hor... Từ bao đời nay, các dân tộc sống đoàn kết, đan xen với nhau, có sự giao lưu,  ảnh hưởng lẫn nhau về phong tục tập quán sản xuất cũng như sinh hoạt văn hóa. Những nét tương đồng và dị biệt trong văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên đã làm cho bức tranh đời sống văn hóa trong khu vực có nhiều mảng màu, sắc thái khác nhau. Nền văn hóa cổ truyền của các tộc người Tây Nguyên được hình thành trên cơ sở kinh tế nông nghiệp nương rẫy, tự cấp, tự túc, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, gắn bó hòa quyện với thiên nhiên, do đó các giá trị văn hóa, văn nghệ cổ truyền các tộc người nơi đây đều phản ánh mơ ước, nguyện vọng về cuộc sống ấm no, sung túc của cư dân nông nghiệp (văn hóa thực thể và văn hóa phi vật thể).

Nền văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Trường Sơn, Tây Nguyên là vô cùng đa dạng và mang giá trị rất lớn. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc cũng như bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nơi đây. Việc hiểu và phát huy các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của đồng bào, nắm bắt tình hình, đặc điểm các dân tộc thiểu số góp phần tăng cường hiệu quả công tác dân tộc của UBDT, từ đó xây dựng những chính sách phù hợp giúp phát triển kinh tế, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Trường Sơn, Tây Nguyên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao những nội dung do GS.TS Phan Đăng Nhật báo cáo. Những thông tin bổ ích đó sẽ giúp những người làm công tác dân tộc hiểu rõ hơn về văn hóa đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn, Tây Nguyên, từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất những chương trình, chính sách cho Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc khu vực Trường Sơn, Tây Nguyên nói riêng và đồng bào dân tộc cả nước nói chung. Mong muốn trong thời gian tới UBDT sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác từ phía GS.TS Phan Đăng Nhật, từng bước hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển các dân tộc.

Sơn Nam