Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình làm việc với Uỷ ban Dân tộc
03:17 AM 12/10/2010 | Lượt xem: 4281 In bài viết |Sáng ngày 6/10, tại Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta đã có buổi làm việc với lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc. Tiếp và làm việc với đoàn công tác của tỉnh có đồng chí Giàng Seo Phử, Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, các đồng chí Phó Chủ nhiệm và đại diện các Vụ, đơn vị trực thuộc Uỷ ban.
Về phía tỉnh ta có các đồng chí: Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh ta đã báo cáo với Uỷ ban Dân tộc tình hình KT-XH và thực hiện chính sách dân tộc tỉnh năm 2010; những nhiệm vụ, giải pháp thực hiêẹ trong năm 2011. Trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Công tác tổ chức, điều hành thực hiện kế hoạch các chương trình dự án phát triển kinh tế: chương trình 134, chương trình 135; trợ giá, trợ cước, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và các chương trình dự án khác trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đạt hiệu quả. Đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và nâng cao; không có hộ đói, hộ nghèo giảm. Diện mạo nông thôn miền núi thay đổi nhanh theo chiều hướng tích cực.
Tỉnh ta đã có một số kiến nghị, đề xuất với Uỷ ban Dân tộc thuộc 2 nhóm vấn đề. Về cơ chế chính sách, đề nghị Uỷ ban Dân tộc xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung và tiếp tục thực hiện một số chính sách: hỗ trợ đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; dự án xây dựng các trung tâm cụm xã để hoàn thành đề án đã được phê duyệt. Có chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH đối với các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015, với nguồn lực tập trung hơn, mà trọng tâm là phát triển hệ thống giao thông nông thôn miền núi với kết cấu bê tông xi măng và công trình thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu; không xây dựng hạ tầng phủ sóng phát thanh truyền hình vùng lõm mà nên đầu tư xây dựng đài tỉnh có mức vốn đầu tư cao để phục vụ đồng bộ và phát huy hiệu quả. Tập trung hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, xoá đói, giảm nghèo bền vững. Tăng mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ du canh, du cư sắp xếp ĐCĐC...
Về đầu tư, đề nghị Uỷ ban Dân tộc xem xét hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng mang tính chất đặc thù ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Như: công trình chuyển tiếp (công trình nước sinh hoạt xóm Hang Kia 1, Hang Kia 2 (xã Hang Kia, huyện Mai Châu). Một số công trình dự án mới về giao thông, nước sinh hoạt ở Hang Kia với tổng mức đầu tư khoảng 26 tỷ đồng, công trình nối xã Bắc Sơn (huyện Tân Lạc) với xã Noong Luông (huyện Mai Châu) dài 3,5 km với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.
Những ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm và lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc, các Vụ, đơn vị trực thuộc ghi nhận, chia sẻ, đồng tình ủng hộ. Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã biểu dương và ghi nhận những khởi sắc của tỉnh trong phát triển KT-XH. Đồng chí cho rằng: Trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, Hoà Bình nên đặt mình trong tổng thể chung của toàn quốc để xác định rõ về bước phát triển và tiếp tục phấn đấu. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục có sự đánh giá và quan tâm tới vấn đề tái nghèo. Chú ý tới các biến đổi về khí hậu, thời tiết; đời sống của bộ phần đồng bào tái định cư trong việc xây dựng nhà máy thuỷ điện; bộ phận cư dân ở vùng sâu, vùng cao. Có những đánh giá việc thực thi chính sách trên địa bàn. Đối với các xã như Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu) cần có dự án riêng, đầu tư dứt điểm. Tỉnh cần quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo nguồn nhân lực cán bộ cơ sở. Đối với vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, trong nỗ lực chung của tỉnh, mỗi dân tộc cũng đều phải cố gắng, giữ được những nét bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tin tưởng rằng, với nền tảng như hiện nay, việc thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh Hoà Bình tiếp tục có những thành tựu mới./.
Văn Tưởng (Nguồn: Báo Hòa Bình)